CEO Bất động sản Nhật Nam bị tạm giữ
Ngày 8/9, Công an TP Hà Nội cho biết Phòng Cảnh sát kinh tế đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Vũ Thị Thúy (40 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan chức năng, bà Thúy đã đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án, cam kết trả lãi suất từ 34-46% để người dân tin tưởng nộp tiền vào công ty dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, rồi lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước.
“Với thủ đoạn trên, Vũ Thị Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng hơn 10.000 cá nhân với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng”, Công an Hà Nội thông tin.
Trước đó, trong các ngày 30/8 và 31/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và Quyết định tạm giữ đối với Vũ Thị Thúy.
Cổ phiếu Sông Đà 1.01 dao động chóng mặt 33% trong 1 phiên
Phiên giao dịch 8/9 là phiên duy nhất trong tuần qua cổ phiếu SJC của Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 được phép giao dịch do mã này trong diện bị hạn chế giao dịch trên sàn UPCoM.
Thị trường vừa mở cửa phiên cuối tuần thì SJC đã lập tức bị bán mạnh, lao dốc và giảm sàn biên độ 14,4% về còn 10.100 đồng/cổ phiếu. Mã này chịu áp lực bán mạnh và lao dốc sau thông tin bà Vũ Thị Thúy bị Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội tạm giữ vì có hành vi đưa thông tin sai sự thật về Công ty Nhật Nam.
Xem thêm : CC VĨNH LỘC B
Tại Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01, bà Vũ Thị Thúy đóng vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc.
Điều bất ngờ là cũng trong ngày 8/9, lực cầu mạnh đã giúp cổ phiếu này thoát sàn, thậm chí có lúc tăng trần trong phiên giao dịch chiều. Với biên độ dao động của sàn UPCoM, biến động giá tại SJC phiên này từ mức giá sàn 10.100 đồng đến mức giá trần 13.500 đồng lên tới 33,66%.
Thống kê dữ liệu giao dịch cho thấy, mã cổ phiếu này có 860.100 cổ phiếu được giao dịch ở mức giá sàn và 1,37 triệu cổ phiếu được giao dịch tại mức giá trần ở phiên nói trên.
Cổ phiếu nhà Cường “Đô La” quay đầu giảm
Cổ phiếu QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã có chuỗi tăng cực kỳ ấn tượng. Tại mức đỉnh giá 15.150 đồng thiết lập ngày 7/9, mã này đã tăng tới 21,2% chỉ trong ít phiên giao dịch từ đầu tháng 9 và tăng 46,38% so với đầu tháng 8.
Trong tuần vừa rồi, trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ lễ, QCG có 3 phiên tăng mạnh trong tổng cộng 4 phiên giao dịch, trong đó có 2 phiên tăng trần ngày 5-6/9 và 1 phiên tăng áp sát mức trần ngày 7/9.
Tuy vậy, đến phiên cuối tuần 8/9, mã này quay đầu giảm kịch biên độ trên sàn HoSE, đánh rơi 1.050 đồng còn 14.100 đồng/cổ phiếu. Áp lệnh bán mạnh với khối lượng giao dịch khớp lệnh lên tới 4,33 triệu cổ phiếu so với mức giao dịch bình quân trong vòng 1 tháng qua trên thị trường là 1,65 triệu cổ phiếu/phiên.
Dù có mức giảm sàn 6,93% trong phiên 8/9, tuy nhiên với diễn biến tăng giá mạnh và liên tục của cổ phiếu trong suốt thời gian, nhà đầu tư bán ra cổ phiếu vẫn có lãi đậm dù với bất cứ mức giá nào.
Chủ của Sen Tài Thu là ai?
Tiền thân của Công ty cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu là Trung tâm chăm sóc sức khỏe Sen Tài Thu – Bệnh viện Châm cứu Trung ương, được thành lập vào tháng 4/1992. Người sáng lập nên doanh nghiệp này là bà Phạm Thị Hòa nhưng hiện tại không còn liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Sen Tài Thu trên giấy tờ.
Xem thêm : Top 5 biệt thự Pháp cổ điển đẹp phủ màu thời gian giữa lòng Hà Nội
Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, đơn vị này được thành lập năm 2018 với vốn điều lệ 160,35 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc là ông Trần Tuấn Anh (sinh năm 1990).
Ông Tuấn Anh hiện còn là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Thí nghiệm và xây dựng Thăng Long, Công ty cổ phần Anytime Việt Nam, Công ty TNHH Auto Trần Anh, Công ty TNHH Ẩm thực và dịch vụ Trần Anh, Công ty TNHH Lâm nghiệp Thường Xuân.
Sen Tài Thu hoạt động trong lĩnh vực trị liệu, dược phẩm, nhà hàng thực dưỡng, đào tạo. Hiện nay doanh nghiệp phát triển theo mô hình nhượng quyền với 6 chi nhánh tại Hà Nội, 4 chi nhánh tại các tỉnh thành khác.
Tài sản ông Phạm Nhật Vượng còn 5,7 tỷ USD
Sự biến động của thị trường chứng khoán và giá cổ phiếu ít nhiều đều ảnh hưởng đến định giá tài sản của các chủ doanh nghiệp là cổ đông lớn.
Cổ phiếu VIC của Vingroup trong phiên giao dịch cuối tuần trước giảm thêm 2,8% còn 59.100 đồng, khớp lệnh đột biến ở mức cao đạt 28,22 triệu đơn vị. Phiên 8/9 cũng là phiên VIC lập đỉnh thanh khoản.
Mã này có 3 phiên liền giảm giá trong khoảng thời gian 6-8/9, tức giảm 3 trên 4 phiên giao dịch của tuần qua. Tính từ đầu tháng 9, VIC giảm 4,83% và giảm 21,83% so với giá đóng cửa phiên 16/8 (cũng là mức đỉnh giá của VIC). Đến thời điểm hiện tại, VIC đã giảm 16.500 đồng/cổ phiếu, theo đó, giá trị tài sản cá nhân của ông Phạm Nhật Vượng cũng giảm 11.406 tỷ đồng.
Tại Vingroup, mặc dù nhóm cổ đông liên quan tới ông Phạm Nhật Vượng vẫn sở hữu hơn 2,4 tỷ cổ phiếu VIC nhưng xét riêng cá nhân ông Vượng thì lượng sở hữu đã giảm còn 691,27 triệu cổ phiếu VIC, chiếm tỷ lệ 17,87% vốn điều lệ tập đoàn. Cập nhật này sau khi ông Vượng chuyển cổ phần sang 2 doanh nghiệp là Công ty Quản lý và đầu tư bất động sản VMI và Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM).
Theo cập nhật của Forbes, giá trị tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng là 5,7 tỷ USD tại ngày 10/9, xếp thứ 480 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Còn nếu tính theo giá cổ phiếu VIC, sở hữu cổ phần trực tiếp của ông Vượng tại Vingroup tương đương 40.854 tỷ đồng.
Nguồn: https://redonland.com
Danh mục: Bất động sản