Nghi thức suy tôn được cử hành sáng 29/11, sau phiên họp thứ nhất của Hội đồng Chứng minh GHPGVN (nhiệm kỳ 2022-2027) đề cử các chức danh chủ chốt của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh GHPGVN được toàn thể chư tôn trưởng lão đồng thanh đề cử vào ngôi vị Pháp chủ GHPGVN.
Bạn đang xem: Suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Nghi thức suy tôn Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: NHƯ Ý.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tổ chức Đại hội đã trân trọng thông báo kết quả suy tôn Đức Pháp chủ và Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh trước toàn thể đại biểu.
Hòa thượng Thích Lệ Trang cung tuyên chúc từ kính dâng lên Đức Pháp chủ. Hòa thượng Chủ tịch dâng ấn tín Hội đồng Chứng minh. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu dâng cà-sa. Ngay sau nghi lễ suy tôn, Đức đệ Tứ Pháp chủ GHPGVN ban đạo từ trước đại hội.
Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam là lãnh đạo tối cao về Đạo pháp và Giới luật theo quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trước khi được suy tôn là Đệ tứ Đức Pháp chủ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng được suy tôn Quyền Đức Pháp chủ GHPGVN tại Hội nghị kỳ 6 khóa VIII Trung ương GHPGVN vào ngày 31/12/2021.
Trước đó, ngày 1/12/2021, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh họp phiên đặc biệt, đồng thanh suy cử Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đảm nhiệm ngôi vị Quyền Pháp chủ.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng quang lâm đại hội. Ảnh: Như Ý.
Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017), ngài được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tháng 7/2020, Đức Đệ tam Pháp chủ phê chuẩn giáo chỉ ngài thành lập Hội đồng Giám luật, đồng thời cử ngài đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng sinh năm 1940 tại xã Phú Mỹ Hưng, huyện Hóc Môn, Gia Định (nay là huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh). Năm lên 10 tuổi, ngài xuống tóc xuất gia với Đại lão Hòa thượng Thích Trí Đức (1909-1999) tại tổ đình Huê Nghiêm (Thủ Đức), được Hòa thượng Bổn sư cho thọ giới Sa-di tại tổ đình Linh Nguyên (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).
Rước cà-sa của Đức Pháp chủ. Ảnh: NHƯ Ý.
Từ năm 1957 đến 1960, ngài tu học tại Phật học đường Nam Việt – chùa Ấn Quang (Sài Gòn). Ngài được đăng đàn thọ giới Tỳ-kheo năm 1960 tại Đại giới đàn Ấn Quang do Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa (1918-1973) làm Hòa thượng đường đầu, tổ chức dành riêng cho các học Tăng vừa tốt nghiệp Phật học đường Nam Việt; chính thức nối dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41.
Từ năm 1960 đến năm 1964, ngài làm giảng sư, sau đó, du học tại Đại học Rissho, Tokyo, Nhật Bản từ năm 1965 đến 1972. Từ năm 1973 đến năm 1975, sau khi trở về nước, ngài được các bậc giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất suy cử đảm nhiệm Vụ trưởng Vụ Phiên dịch và Trước tác thuộc Tổng vụ Hoằng pháp.
Hòa thượng Thích Lệ Trang cung tuyên chúc từ kính dâng lên Đức Pháp chủ. Ảnh: NHƯ Ý.
Ngài được Đức Đệ nhị Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đặc cách tấn phong giáo phẩm Thượng tọa lúc 37 tuổi.
Ngay sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập vào ngày 7/11/1981, ngài là thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, đảm nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương cho tới năm 2007.
Đại biểu dự Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc. Ảnh: NHƯ Ý.
Ngài là một trong những vị giáo phẩm tham gia thành lập Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM, được Trung ương Giáo hội chỉ định tham gia Ban Trị sự, đảm nhiệm Phó Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo, Phó Trưởng ban Thường trực, Quyền Trưởng ban rồi chính thức lãnh đạo Phật giáo TP.HCM trong trách nhiệm Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM từ tháng 11/1998 đến tháng 6/2022.
Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ thứ V (2002), ngài được suy cử đảm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cũng trong khoảng thời gian này, từ 2007 đến năm 2017, ngài được Trung ương Giáo hội suy cử kiêm nhiệm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Trung ương GHPGVN, trực tiếp tham gia chỉ đạo các kỳ Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam.
Nguồn: https://redonland.com
Danh mục: Phật giáo