Nhân ngày kỷ niệm Quán Thế Âm Bồ Tát (19/02/Canh Tý), chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về Ngài là một vị Bồ Tát rất nổi tiếng trong giới thức tâm linh Phật giáo, cũng là một trong bốn vị Đại Bồ Tát của Phật giáo Đại thừa, cùng với Phổ Hiền Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát và Văn Thù Bồ Tát.
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm thứ 25 với tên Phổ Môn, đã nêu rõ các công hạnh của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát. Kinh sách chỉ rõ, Ngài có thần lực chỉ đứng sau đức Phật Thích Ca, có tấm lòng đại từ đại bi, cứu độ chúng sinh, là vị Bồ Tát tiêu biểu cho tinh thần của Phật giáo Đại thừa.
Danh xưng Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát xuất phát từ một truyền thuyết của Phật giáo, tin rằng những người tu hành đạt tới chính quả, thì ngũ giác của họ có thể biến ảo, đa năng. Nghĩa là có thể dùng tai để “nghe” thấy hình ảnh, dùng mắt để “thấy” nghe âm thanh, lưỡi có thể nếm ngửi được mùi,… Theo lòng tin này, thì danh xưng Quán Thế Âm Bồ Tát có nghĩa là: Vị Bồ Tát luôn “nhìn thấy” nghe tiếng ai oán, đau khổ trong bến mê của chúng sinh và sẵn sàng cứu giúp hay nói pháp khi cần. Vì vậy chúng ta có thể nói rằng Phật giáo Đại thừa đã nâng Ngài lên tầm quan trọng, càng làm tăng lòng sùng kính của người theo đạo Phật đối với Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát.
I. Ý nghĩa danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát
Quan hay Quán Thế Âm tiếng Phạn là “Avalokitesvara” dịch sang tiếng Hán là Quan Thế Âm hay Quán Tự Tại… Quán Thế Âm Bồ Tát nghĩa là ngài Bồ Tát có thể lắng nghe được tất cả nỗi đau khổ kêu than của thế nhân, quan sát tiếng kêu than của chúng sinh trong thế gian để độ cho họ thoát khổ. Điều này chỉ có được ở những vị Bồ Tát phát nguyện thậm thâm.
Thực ra, “Avalokiteśvara” không phải là nữ thần, mà là một vị Bồ Tát. Tên phiên âm của Ngài sang tiếng Hán (đọc theo âm Hán Việt) là “A bà lô kiết đê xá bà la”. Còn mỹ danh đầy đủ của ngài bằng tiếng Hán là “Đại từ, đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát” (vị Bồ Tát đại từ, đại bi cứu khổ cứu nạn nghe thấu tiếng kêu khổ não của chúng sinh). Mỹ danh này thường được gọi tắt là Quán Thế Âm; đến đời Đường vì kiêng húy của Đường Thái Tông là (Lý) Thế Dân nên bỏ chữ “thế” mà gọi thành Quán Âm, thường đọc trại thành Quan Âm. (Vì vậy trong bài này lúc dùng chữ Quan hay chữ Quán cũng không sai) Y cứ vào trong “Phật học từ điển” của Đoàn Trung Còn cho biết như sau: “Quán Âm là một vị đại Bồ Tát trong Phật giáo Đại thừa (q.II, tr.679). Hễ ai thờ ngài, ắt được các sự phúc đức; ai cầu nguyện và niệm tưởng ngài thì được sức lành của ngài chở che và cứu trợ trong các nạn nguy (…). Vì lòng từ bi cứu khổ, cứu nạn cho các chúng sinh và vì sự tuyên truyền Phật pháp, ngài tùy tiện mà hiện thân, khi làm Phật, khi làm Bồ Tát, khi làm Duyên giác, khi làm Thanh văn, khi làm tiên, khi làm quỷ, thần, khi làm quốc vương hoặc đại thần, trưởng giả, tỳ kheo, tỳ kheo ni, cư sĩ thiện nam tín nữ. Và ngài cũng mang thân phụ nữ (chúng tôi nhấn mạnh) mà độ chúng sinh nữa” (q.II, tr.685-686).
Bồ Tát Quán Thế Âm là hiện thân của Từ Bi, Ngài phát đại nguyện thực hiện từ bi cùng tận trong đời vị lai, nếu chúng sinh còn đau khổ. Vì chỉ có từ bi mới giải trừ đau khổ, cũng như chỉ có trí tuệ mới diệt được ngu si. Do đó, Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát thiết lập tâm đại từ, đại bi để thực hiện đại thệ nguyện độ sinh của Ngài.
Ngoài ra, Kinh Quán Âm Tam Muội nói: Xưa kia Ngài Quán Thế Âm đã thành Phật hiệu là “Chính Pháp Minh Như Lai”. Tiền thân đức Thích Ca hồi ấy đã từng ở dưới pháp tòa, sung vào trong số đệ tử khổ hạnh để gần gũi. Ngày nay, đức Thích Ca thành Phật, thì Ngài trở lại làm đệ tử để gần gũi lại: “Một đức Phật ra đời thì hàng ngàn đức Phật phù trì”.
Trong Kinh Đại Bi Tâm Đà Na Ni thì chép lời Ngài bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! con nhớ vô lượng ức kiếp trước có đức Phật ra đời hiệu là Thiên Quan Vương tĩnh trụ Như Lai” Đức Phật ấy vì thương đến con và tất cả chúng sinh nên nói ra môn Đại Bi Tâm Đà La Ni. Ngài lại dùng cánh tay sắc vàng xoa đầu con mà bảo: “Thiện Nam Tử! Ông nên trụ trì tâm chú này và vì khắp tất cả chúng sinh trong cõi trược ở đời vị lai mà làm cho họ được sự lợi ích yên vui lớn.” Lúc đó con mới ở ngôi Sơ Địa, vừa nghe xong thần chú này liền vượt lên chứng đại Bát Địa”1.
Xem thêm : Phổ Hiền Bồ Tát là ai?
Còn trong Mật tông thì theo Kinh Đại Bản Như Ý nói có 8 vị đại Quán Âm là:
1) Viên Mãn Ý, Nguyệt Minh Vương Bồ Tát. 2) Bạch Y Tự Tại. 3) Cát La Sát Nữ. 4) Tứ Diện Quán Âm. 5) Mã Đầu La Sát. 6) Tỳ Cầu Chi. 7) Đại Thế Chí. 8) Đà La Quán Âm (Quán Âm Chuẩn Đề).
Ngoài danh hiệu Quán Thế Âm ra, Bồ Tát còn có danh hiệu khác là Quán Tự Tại, danh hiệu Quán Thế Âm nói nhiều về công hạnh, đức từ bi của Bồ Tát. Nói đến Quán Thế Âm là đề cập đến vị Bồ Tát thường quan sát, lắng nghe tiếng gọi của chúng sinh, lắng nghe âm thanh của cõi thế gian để ban vui cứu khổ.
Còn danh hiệu Quán Tự Tại nói nhiều về năng lực, trí tuệ giải thoát, tâm vô quải ngại của Bồ Tát. Khi nói đến Bồ Tát Quán Tự Tại là nói đến vị Bồ Tát có trí huệ thâm sâu, tự tại giải thoát, không còn bị bất cứ điều gì ràng buộc, chi phối, không còn chìm đắm trong biển sinh tử, không còn phiền não khổ đau; là vị Bồ Tát có khả năng làm chủ các pháp, đến đi vô ngại trong cõi Ta bà để làm lợi ích cho chúng sinh.
II. Bồ Tát Quán Thế Âm là nam hay nữ?
Khi chúng ta thờ một đức Phật, một vị Bồ Tát cần phải thâm hiểu ý nghĩa Pháp tướng, hình tượng, hình tướng của tôn tượng.
Phật tử khắp nơi đã quá quen với hình ảnh Quán Thế Âm Bồ Tát là người phụ nữ đoan trang, xinh đẹp. Có nơi còn gọi Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát là Phật Bà Quán Âm. Thế nhưng, lại có ý kiến cho rằng Quán Thế Âm Bồ Tát là nam chứ không phải nữ.
Vậy thực hư chuyện giới tính của Quán Thế Âm Bồ Tát là thế nào và vì sao lại có những tranh luận dị thường như vậy?
Dựa vào lịch sử tôn giáo, và dân gian dật sử2, hoặc Linh ứng truyện ký và lịch sử của Trung Quốc từ sau nhà Châu vua Chiêu Vương tới cận đại và tới Việt Nam từ đầu Thế kỷ thứ III tới nay, thì đức Quán Thế Âm Bồ Tát đã từng hiện hóa vào những thế gia và cả bần gia để ứng cơ hóa độ chúng sinh. Nhờ sự tướng của thế đạo để chỉ hướng dân gian quay về chính đạo và loại bỏ cái xấu ra khỏi cơ thể. Giống Quán Âm Diệu Thiện về đời vua Vương Trang. Quán Âm cầm giỏ cá thời vua Tôn Huyền nhà Đường, Quán Âm Thị kính thời nhà Minh, Quán Âm linh thiêng thời nhà Nguyễn,… Như vậy, không nhất thiết Ngài chỉ thị hiện nữ thân mà là vô số thân. Nhưng do niềm tịnh tín của các dân tộc vùng Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng thì hình ảnh người Mẹ hiền, thương chúng sinh như con đỏ, thường che chở, gia hộ và tưới mát những tâm hồn khổ đau của Ngài, rất được quần chúng nhân dân ngưỡng mộ và tôn thờ. Vì vậy, tượng Ngài được thờ phụng khắp nơi đa phần là thân nữ. Tuy nhiên, một vài ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc, tôn tượng của Ngài ược thờ phụng là thân nam.
Vì vậy, Phật giáo quan niệm mười phương chư Phật thì không hề có nữ nhân. Đức Quán Thế Âm là nam hay nữ? Chư vị Bồ Tát không phải là những nhân vật lịch sử bằng xương bằng thịt có sinh có tử, mà các ngài thị hiện ở đời dưới nhiều hình tướng: nam, nữ, già, trẻ, người, thú vật, núi sông… tùy tâm niệm của chúng sinh chiêu cảm mà ứng thân thị hiện.
Xem thêm : Triết lý Phật giáo giúp con người thoát khổ
Tại Trung Quốc, đến Thế kỷ thứ X, Quán Âm còn được giữ dưới dạng nam giới, thậm chí trong hang động ở Đôn Hoàng, người ta thấy tượng Quán Âm để râu. Đến khoảng cuối thế kỷ thứ mười thì Quan Âm được vẽ mặc áo trắng, có dạng nữ nhân. Có lẽ điều này xuất phát từ sự trộn lẫn giữa Phật giáo và Lão giáo trong thời này. Một cách giải thích khác là ảnh hưởng của Mật Tông trong thời kỳ này: đó là hai yếu tố Từ bi và Trí tuệ được thể hiện thành hai dạng nam nữ, mỗi vị Phật hay Bồ Tát trong Mật tông đều có một “quyến thuộc” nữ nhân. Vị quyến thuộc của Quán Thế Âm được xem là vị nữ thần áo trắng Đa La và Bạch Y Quán Âm là tên dịch nghĩa của danh từ đó. Kể từ đó, phật tử Trung Quốc khoác cho Quán Âm áo trắng và xem như là vị Bồ Tát giúp phụ nữ hiếm muộn. Đức Quán Thế Âm xuất hiện dưới hình dạng phụ nữ chỉ mới được thịnh hành từ đời Đường bên Trung Hoa. Còn người Tây Tạng lại hay tạc tượng đức Quán Thế Âm theo hình người nam, tượng trưng cho sức mạnh kiên cố, oai dũng để trấn áp tà ma, quỷ dữ. Người Tây Tạng tu theo Mật tông, miệng đọc thần chú, tay bắt ấn quyết để nhiếp phục thân tâm đến chỗ đắc định, phát huy trí huệ. Đến nay, hầu như ở khắp các cơ sở thờ tự Á Đông đều quen thuộc với hình ảnh Bồ Tát dưới hình dạng là phụ nữ. Cho nên người đời xem lòng từ bi của Bồ Tát Quán Thế Âm như tình mẹ thương con vô bờ bến, cho nên kính ngưỡng Ngài thông qua một ứng hóa thân là hình tượng một người phụ nữ và thường gọi là “Mẹ Quán Âm”, đồng thời cũng xem Ngài là một vị Phật với tên gọi “Phật Bà Quán Âm”. Tôn xưng Bồ Tát Quán Thế Âm như một vị Phật, điều đó cũng đúng với những gì kinh điển cho biết về Bồ Tát Quán Thế Âm. Bởi theo kinh Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm Đà la ni, trong đời quá khứ vô lượng kiếp về trước, Ngài đã thành Phật hiệu là Chính Pháp Minh Như Lai, nhưng vì bi nguyện độ sinh mà Ngài hiện thân làm Bồ Tát.
Thế sự xuất hiện người nữ với mục đích chuyển đổi tâm tà ác và hạn chế các xa hoa trụy lạc, đó là mục đích tùy duyên hóa độ của Quán Thế Âm Bồ Tát, và cũng từ đó mà tượng, ảnh của Người trở thành diện mạo nữ trong một vài nước châu Á. Tuy nhiên, điều căn bản là con người cần hiểu rằng, đó là hình ảnh thị hiện, không nên chấp là Phật Thân của Người. Vì thế, Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát được xem là người mẹ của thiên hạ, luôn bao che và giúp đỡ các con nhân gian của mình vượt qua những trở ngại trong cuộc sống để thành người tốt và có ích.
III. Tôn thờ và trì niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát đúng pháp
Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát có đức uy thần công đức và lòng từ bi rất lớn. Ngài vốn không phải là nữ tướng, nhưng vì ngài thường cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh (mà phụ nữ thường nhiều khổ nạn hơn so với nam giới) cho nên giới nữ đặc biệt tín ngưỡng về Ngài. Nên chúng sinh mới tưởng tượng ra Ngài là nữ tướng để tiện hóa độ cho giới nữ. Cho nên, Bồ Tát Quan Thế Âm hiện thân của đức Từ Bi, muốn nói lên tình Mẹ thương con, Mẹ đối với con là tình thương chân thành, tha thiết nhất không có tình thương nào sánh bằng. Cho nên, đức Quan Thế Âm hiện thân là một người mẹ hiền của nhân loại, hay của tất cả chúng sinh.
Chúng ta biết niệm đức Quán Thế Âm tức là nhớ nghĩ đến sự giác ngộ, giải thoát, từ bi hỷ xả, tình thương rộng lớn, biết rằng thân xác là bất tịnh, thế giới là vô thường, ngũ uẩn giai không, thì còn gì mà lo sợ nữa? Chẳng có gì được (vô sở đắc) thì còn gì để giữ, còn gì để mất, còn gì để lo sợ? Do đó, chúng ta được an nhiên tự tại trước mọi hoàn cảnh đổi thay dù thuận, dù nghịch, ví như đã được đức Quán Thế Âm ban cho lòng không sợ sệt (thí vô úy). Vì vậy, khi niệm đức Quán Thế Âm, chúng ta thường đọc: Nam mô đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn linh cảm Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngoài việc niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát để cầu an thoát khổ nạn, chúng ta còn niệm danh hiệu ngài để cầu siêu nữa. Kinh Vô Lượng Thọ nói rõ là ở Tây Phương Cực Lạc có đức A Di Đà và hai vị Bồ Tát: đức Quán Thế Âm đứng bên tả, đức Đại Thế Chí đứng bên hữu, cả ba vị lúc nào cũng sẵn sàng phóng quang đến tiếp dẫn tất cả những chúng sinh nào muốn về cõi Cực Lạc và đã niệm Phật đến chỗ nhất tâm bất loạn, tín, hạnh, nguyện đầy đủ.
Người tu pháp môn Tịnh độ khi niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà bao giờ cũng niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm và Đại Thế Chí tiếp theo. Như vậy đức Quán Thế Âm không những tầm thanh cứu khổ ban vui cho người sống, mà lại còn phóng quang tiếp dẫn các hương linh về cõi Tây Phương Cực Lạc, thật trọn vẹn đôi đường, ngài được các phật tử xưng danh tán thán, cung kính phụng thờ, thành tâm lễ bái, tụng niệm đêm ngày, thật là xứng đáng. Cho nên, phật tử chúng ta dù tu theo pháp môn nào: Mật tông, Tịnh độ hay Thiền tông cũng phải thường xuyên niệm hồng danh của Ngài. Ngài gia hộ, độ trì cho mới thoát khỏi tai nạn, khổ ách mỗi khi đến với mọi người chúng ta đều phải niệm “Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát” thì được giải thoát, tai qua nạn khỏi và sự nghiệp tu hành mới mau chóng thành tựu theo sở cầu như nguyện.
Phật tử Việt Nam chú trọng trí tuệ và từ bi nên chùa nào cũng có tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Vì thế chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa hình tượng tôn thờ ấy, để ứng dụng Phật pháp đúng vào đời sống của bản thân, đem lại lợi ích cho mình và mọi người, mang một niềm tin chân chính.
Tác giả: Thích Chúc Xuân
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3-2020
—————- CHÚ THÍCH: 1. Bát địa: Sơ địa là phàm phu của Sơ tín; Nhị địa là bậc Hiền; Tứ địa bằng với thánh nhân Sơ quả của Tiểu thừa; Ngũ địa bằng với Nhị quả Tiểu thừa; Lục địa bằng với Tam quả Tiểu thừa; Thất địa đồng với Tứ quả A la hán của Tiểu thừa; Bát địa đồng với Bích chi ca Phật vị của Tiểu thừa; Cửu địa từ “Không ra Giả”, đắc pháp nhãn và tập khí sắp hết, vì thế gọi là Bồ tát địa; địa thứ mười là Phật địa. Thất địa trở về trước thông cả Tam thừa. Bát địa thông với Bích chi ca Phật. 2. Dật sử: sách ghi chép những sự việc tản mạn mà chính sử không ghi chép lại (do bỏ sót hoặc vì lí do nào đó mà không nói đến).
Nguồn: https://redonland.com
Danh mục: Phật giáo