Danh hiệu của vị bồ tát này có gốc Phạn ngữ là Avalokitesvara. Quán Âm hay Quan Âm là 2 cách phát âm Hán Việt của hai chữ 觀音, trong đó chữ đầu tiên có hai cách phát âm là “quan” và “quán”.
Trong đó, “quan” là xem, nhìn, quan sát. “Quán” có nghĩa là xem xét kỹ lưỡng, tường tận. Nếu như “quan” là hoạt động của giác quan – thu nhận thông tin bằng mắt – thì quán lại là hành vi của tuệ giác, quán chiếu để thấy rõ bản chất của các pháp. Tên của vị bồ tát được nhắc đến nhiều nhất – Quán Thế Âm, mang ý nghĩa lắng nghe, quán xét sâu sắc những âm thanh của thế gian để cứu độ chúng sinh khỏi những đau khổ.
Bạn đang xem: Nên gọi Quan Âm Bồ tát hay Quán Âm Bồ tát?
Danh hiệu vị bồ tát này được mọi người, theo thói quen, gọi bằng cả hai cách. Cả hai cách gọi này đều đúng, tuy nhiên nếu xét thật sâu sắc về ý nghĩa thì Quán Âm/ Quán Thế Âm phù hợp với hạnh nguyện của ngài hơn.
Quán Thế Âm Bồ tát là biểu tượng của đại từ bi, nguyện cứu độ tất cả chúng sinh trong bể khổ. Tượng ngài ở quê hương Phật giáo thường mang hình tướng nam, còn người Việt Nam, Trung Quốc thường hình dung về ngài trong hình hài nữ giới. Nhắc đến Quán Thế Âm Bồ tát, mọi người thường gọi là Phật bà. Ngài được khắc họa là một phụ nữ có vẻ đẹp thánh thiện, hiền hậu, một tay cầm bình cam lộ, tay kia cầm cành dương liễu để vẩy nước trong bình cứu khổ chúng sinh.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Từ trong cuốn Phật pháp tại thế gian, kinh Phổ Môn viết rằng Bồ tát Quán Thế Âm không phải nam, cũng không phải nữ. Ngài hiện thân tùy theo nhu cầu thiết yếu của chúng sinh muốn được cứu độ, nếu là đồng nam cầu cứu thì Quán Thế Âm Bồ tát hiện thân đồng nam, nếu là đồng nữ cầu cứu thì ngài hiện thân đồng nữ. Và ngài còn nhiều hiện thân khác, tùy duyên thị hiện để cứu độ tất cả. Kinh Pháp Hoa cho biết hóa thân của ngài gồm hơn 30 hình tướng, sự đa dạng này giúp ngài thuận tiện cứu khổ cho chúng sinh.
Xem thêm : Triết lý Phật giáo giúp con người thoát khổ
Vậy tại sao hầu hết các chùa thờ đức Quán Thế Âm đều tạc hình người nữ? Hòa thượng Thích Thanh Từ giải thích rằng, với người Việt Nam từ xưa, người cha thường gắn với hình tượng nghiêm trang, nghiêm khắc, nên cha thường được gọi là nghiêm phụ. Còn người mẹ dịu dàng, khi dạy dỗ con thường khuyên răn con nhỏ nhẹ, không đánh mắng, nên người mẹ được gọi là từ mẫu.
“Cha thì nghiêm, mẹ thì từ. Bồ tát Quán Thế Âm tu hạnh từ bi, thường cứu khổ chúng sinh, nên người ta thường xưng tán ngài là Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát. Hạnh đại từ bi của ngài là lúc nào cũng an ủi, nhắc nhở, khuyên lơn, đem lại nguồn an vui cho tất cả chúng sinh. Ở đâu có tiếng than, có nỗi khổ, ngài đều đến để cứu vớt. Vì vậy ngài tượng trưng cho tâm hạnh từ bi. Hạnh từ bi thì gần với tình thương của người mẹ, nên người ta tạc tượng ngài là nữ. Đó là hình ảnh biểu trưng cho hạnh từ bi, chớ không phải ngài thật là người nữ”, Hòa thượng Thích Thanh Từ viết.
Về hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm tay trái cầm bình cam lộ, tay phải cầm cành dương liễu, kinh Phổ Môn có câu: “Nam mô thanh tịnh bình thùy dương liễu Quan Âm Như Lai cam lộ sái tâm nguyện”. Trong đó, “thanh tịnh bình” là bình thanh tịnh, “thùy dương liễu” là cành dương liễu rủ xuống, “Quan Âm Như Lai cam lồ sái tâm” là nước cam lộ của đức Quan Âm rưới lên tâm. Ý nghĩa câu kinh này là: Bình thanh tịnh đựng nước cam lộ, nhờ cành dương liễu rưới khắp làm cho tâm người được mát mẻ. Đó là câu nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm. Hình tượng Bồ tát mà chúng ta thấy biểu trưng cho hạnh nguyện của ngài.
Nguồn: https://redonland.com
Danh mục: Phật giáo