Đá Beryl là một khoáng chất silicat tương đối hiếm với thành phần hóa học là Be3Al2Si6O18, có trong các tảng đá mắc ma và đá biến chất tại nhiều nơi trên thế giới. Đá Beryl nhìn chung có màu sắc phong phú.
Trong danh sách các loại đá quý phổ biến nhất thế giới không thể không nhắc đến các đá thuộc họ Beryl như Emerald, Aquamarine, Heliodor, Goshenite và Morganite.
Bạn đang xem: Đá Beryl là gì?
Đá Beryl hình thành như thế nào?
Beryl là một khoáng chất chứa một lượng lớn nguyên tố Beryllium – một kim loại rất hiếm và chính sự quý hiếm này hạn chế sự hình thành của Beryl.
Beryl thường xuất hiện trong đá hoa cương, đá mắc ma chứa axit, đá pegmatit, đá biến chất kết hợp pegmatit hoặc các mạch và khoang có hoạt động thủy nhiệt. Các loại khoáng sản này thường đi liền với nhau, là dấu hiệu phát hiện ra đá Beryl.
Đá cũng hay được tìm thấy tại các khu vực đá vôi, đá phiến sét hoặc đá hoa có chứa cacbon. Các mỏ ngọc lục bảo nổi tiếng của Colombia và Zambia được hình thành tại các khu vực này, được tạo màu bởi crom và vanadi.
Phân biệt các loại đá Beryl
Đá Beryl: Emerald Ngọc Lục Bảo
Đá Emerald, hay còn gọi là Ngọc Lục Bảo, là các loại đá Beryl có họ màu xanh lục với tông màu từ xanh lục ánh lam nhẹ, xanh lục thuần đến xanh lục ánh vàng. Nếu viên đá không có độ rực màu xanh cao và chiếm phần lớn thì sẽ được gọi là Beryl xanh thay vì ngọc lục bảo.
Người bán và người mua thường hay có những bất đồng về việc đánh giá màu sắc để viên đá thuộc loại Ngọc Lục Bảo hay Beryl xanh. Nhiều người cho rằng Emerald là những viên Beryl được tạo màu xanh nhờ crom chứ không phải chất vanadium. Những viên tạo màu bởi nguyên tố sắt sẽ có màu nhạt hơn và không có sắc xanh độc đáo đặc trưng của ngọc lục bảo.
Ngọc Lục Bảo là loại đá Beryl phổ biến và có giá trị nhất, là viên đá sinh thần của tháng 5 và là loại đá quý màu xanh lục nổi tiếng và được yêu thích nhất trên thế giới.
Các viên đá Emerald thô chất lượng cao hiếm có được ưu tiên để đưa vào bộ sưu tập mẫu vật khoáng sản hơn là chế tác thành đá quý trang sức. Bị cắt bỏ một lượng đá thô không nhỏ để tạo thành viên đá phù hợp đồ trang sức sẽ gây ra sự thâm hụt tài chính lớn cho những viên đá này.
Emerald, Sapphire, Ruby và Spinel được coi là nhóm bộ 4 loại đá nổi bật nhất trong các loại đá màu. Tại Hoa Kỳ, số tiền chi vào 4 loại đá quý này nhiều hơn tất cả các loại đá màu khác cộng lại. Giá trị nhập khẩu Emerald còn nhiều hơn tổng giá trị nhập khẩu Sapphire và Ruby trong nhiều năm liền.
Colombia, Zambia, Brazil và Zimbabwe là những nhà sản xuất Ngọc Lục Bảo chất lượng cao. Ngoài ra, một nguồn khai thác nhỏ không thường xuyên nằm tại gần Hiddenite, bang Bắc Carolina, Hoa Kỳ.
Đá Emerald dễ bị nứt vỡ và chứa nhiều tạp chất. Hầu hết các nhà sản xuất hiện nay áp dụng các phương pháp xử lý đá Emerald trước khi tung ra thị trường đá quý.
Các vết nứt thường được lấp đầy bởi thủy tinh hoặc nhựa để ổn định chất lượng và che đi các tạp chất gây ảnh hưởng đến vẻ ngoài đá quý. Phần bề mặt ngọc lục bảo cũng được che đi các vết nứt hoặc tạp chất bằng cách phủ dầu hoặc sáp.
Dựa vào đặc tính này, bạn có thể phân biệt thành công ngọc lục bảo tự nhiên hay nhân tạo bằng cách quan sát vẻ ngoài và độ tinh khiết của chúng.
Thông thường, ngọc lục bảo nhân tạo sẽ trong suốt và có màu xanh lục tươi sáng trong khi đá quý tự nhiên thường trong mờ và có thể nhìn thấy các vết lõm và đứt gãy. Nếu không có những đặc điểm này, đó sẽ là viên ngọc lục bảo cực kỳ hiếm và có giá trị cao
Nhiều người chấp nhận các tạp chất của đá Emerald vì họ mong muốn đá quý ở dạng tự nhiên nhất. Những người khác thì thích vẻ ngoài tươi sáng trong suốt và giá thành thấp hơn của loại đá nhân tạo.
Đá Beryl xanh lam (Aquamarine)
Aquamarine là đá phổ biến thứ hai trong nhóm đá Beryl và là đá sinh thần của tháng Ba. Giống như Emerald, Aquamarine cũng được nhận dạng dựa trên họ màu duy nhất – xanh lam. Aquamarine có tông màu từ xanh lam ánh lục nhạt đến xanh lam thuần, độ rực màu càng đậm thì càng có giá trị cao. Những viên đá có màu lam sáng và nhạt hơn vẫn được xếp vào loại đá Aquamarine.
Aquamarine thường có ít tạp chất và vết đứt gãy, thường khá sạch sẽ, không có các tạp chất nhìn được bằng mắt thường.
Màu sắc của đá Aquamarine có thể được cải thiện bằng phương pháp xử lý nhiệt. Hầu hết các viên đá trên thị trường ngày nay đều đã qua xử lý. Rất nhiều viên có màu xanh lam ánh lục được rao bán lại chính là loại Beryl màu vàng đã được xử lý.
Đá Beryl hồng nâu (Morganite)
Xem thêm : 15+ loại đá phong thủy mệnh Kim mang lại tài lộc và vượng khí cho chủ nhân
Đá Morganite, còn được gọi là Beryl hoa hồng, là một dạng đá Beryl hiếm gặp có màu sắc giữa cam vàng, cam, hồng và hoa cà. “Hoa hồng”, “cá hồi” và “đào” là những từ phổ biến đã được sử dụng để mô tả màu sắc của đá Morganite.
Morganite là loại đá phổ biến thứ ba trong nhóm Beryl nhưng ít được lựa chọn vì những viên có màu sắc chất lượng là cực kỳ hiếm thấy. Hầu hết đá Morganite hiện nay đã được xử lý để cải thiện màu sắc.
Phương pháp xử lý nhiệt có thể loại bỏ các sắc vàng và giúp viên đá có màu hồng đẹp mắt hơn. Ngoài ra, phương pháp chiếu xạ cũng được lựa chọn.
Morganite nhân tạo đã được sản xuất nhưng chưa được phân phối rộng rãi trên thị trường do không nhiều người biết đến loại đá Beryl này.
Có ba điều hạn chế khiến đá Morganite chưa thể trở nên phổ biến trên thị trường:
- Các viên đá có màu rất nhạt, kén chọn người dùng.
- Các nhà sản xuất do dự khi đưa ra cam kết lớn cho đá quý vì họ không có nguồn cung ổn định.
- Không được quảng bá rộng rãi bằng các loại đá quý khác.
Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, nguồn khai thác đá Morganite từ Brazil và cải tiến phương pháp xử lý đã tăng nguồn cung và chất lượng cho loại Beryl này. Morganite càng ngày càng trở nên phổ biến.
Đá Beryl: Heliodor
Heliodor là một loại đá Beryl có tông màu từ vàng đến xanh lục, là loại đá quý bền với màu vàng lấp lánh đẹp mắt.
Không nhiều người biết đến đá Heliodor, do đó nhu cầu loại Beryl này cũng thấp và giá cả cũng vậy. Sẽ rất khó cho bạn để tìm thấy đá Heliodor trong các cửa hàng trang sức mà bạn cần đến các nơi bán chuyên đá quý để đặt làm theo yêu cầu.
Một vài nhà cung cấp gọi Heliodor là “ngọc lục bảo màu vàng – Yellow Emerald”. Tên gọi này không phù hợp vì ngọc lục bảo là một loại Beryl có màu xanh lục. Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ đã đề xuất loại bỏ tên gọi đầy mâu thuẫn này và tuyên bố rằng việc sử dụng thuật ngữ không chính xác, gây hiểu lầm là một dạng lừa đảo.
Màu vàng mà đá Heliodor có được đến từ nguyên tố Sắt (Fe) và có thể bị thay đổi khi nung nóng hoặc chiếu xạ. Mặc dù thực tế là nhiều viên đá Beryl vàng sau khi qua xử lý lại biến thành các màu kém giá trị hơn, đá Heliodor vẫn có thể được nung nóng và biến đổi thành loại đá quý có màu xanh lam ánh lục như đá Aquamarine hoặc thành viên Heliodor có màu vàng đậm và đẹp mắt hơn.
Đá Beryl xanh lục
Đá Beryl xanh lục có màu nhạt không đạt tiêu chuẩn để trở thành đá Emerald, dù vẫn được tạo màu bởi crom và vanadi.
Beryl xanh lục và Emerald khác nhau đáng kể về giá thành. Điều này có thể gây nên nhiều mâu thuẫn và sự tách biệt không rõ ràng về ranh giới phân màu của hai loại đá này vì tiêu chuẩn phân biệt vẫn chưa được xác định và thống nhất trong toàn ngành đá quý.
Đá Beryl xanh lục có thể là một viên đá quý hấp dẫn, nhưng hiếm khi được dùng để làm trang sức đá quý.
Đá Beryl đỏ
Đá Beryl đỏ là một trong các loại đá hiếm nhất thế giới, thậm chí còn là loại đá hiếm hơn kim cương. Chỉ có một số lượng Beryl đỏ có kích thước khá được tìm thấy tại Dãy núi Wah Wah và núi Thomas của Utah đủ lớn để có thể chế tác viên đá theo kiểu cắt đa cạnh (facet). Dãy Núi Đen tại New Mexico cũng có sự xuất hiện của loại đá này nhưng quá nhỏ để có thể chế tác kiểu cắt đa cạnh.
Đá Beryl đỏ thường có màu đỏ đậm hấp dẫn với độ bão hòa cao và ngay cả những viên đá nhỏ cũng có màu đậm. Đây là một lợi thế lớn vì loại đá quý hiếm này hầu như chỉ được khai thác với kích thước rất bé. Những viên đá trên 1 carat rất hiếm và được bán với giá hàng nghìn đô la trên mỗi carat.
Beryl đỏ thường chứa nhiều tạp chất và các vết nứt giống đá Emerald nhưng đặc điểm này cũng được ngành đá quý chấp nhận giống đá.
Ở Utah, những tảng đá chủ của đá Beryl đỏ thường nằm tại các khu vực có dòng dung nham luân chuyển. Tại đây, các tinh thể đá quý được hình thành trong các lỗ nhỏ và các vết nứt. Các nhà khoa học cho rằng Beryl đỏ được tạo ra khi khí berilium gặp mạch nước ngầm giàu khoáng chất rồi kết tụ lại. Màu sắc của viên đá được tạo ra từ mangan với hàm lượng lớn.
Các điều kiện cho phép cung cấp lượng mangan đủ lớn để tạo màu vào thời điểm thích hợp có xác suất cực thấp. Do đó, Beryl đỏ trở thành một loại đá cực kì quý hiếm
Đá Beryl đỏ ban đầu được đặt tên là “bixbite” theo tên của người đầu tiên phát hiện đá quý, Maynard Bixby. Sau đó bị hủy bỏ vì dễ gây nhầm lẫn với “bixbyite”, một khoáng chất oxit sắt mangan cũng được đặt theo tên của ông Bixby. Một số người gọi viên đá là “ngọc lục bảo đỏ – Red Emerald”, nhưng cái tên này cũng bị đá số người trong ngành từ chối vì dễ gây nhầm lẫn với “ngọc lục bảo.”
Đá Beryl trắng Goshenite
Goshenite là tên được sử dụng cho đá Beryl không màu, thường được tìm thấy trong các tinh thể lớn hình lục giác với độ tinh khiết và độ trong suốt hàng đầu.
Xem thêm : 3 Quan điểm chọn đá phong thủy hợp mệnh và quan điểm nào đúng nhất?
Vào thời Trung cổ, đá Goshenite được cắt và đánh bóng thành thấu kính để phát minh ra kính đeo mắt, kính lúp cầm tay và kính thiên văn. Với độ cứng từ 7.5 đến 8.0 trên thang đo độ cứng Mohs, là một loại đá quý có độ bền và chống xước rất tốt.
Goshenite đôi khi được cắt thành đá quý dành cho giới sưu tập và ít được dùng làm trang sức hơn vì chúng không có màu sắc và vẻ ngoài không được lấp lánh như kim cương và sapphire trắng. Tuy vậy, đá Goshenite vẫn nằm trong danh sách các loại đá giống kim cương.
Đá Beryl: Maxixe
Đá Maxixe là một loại đá Beryl đẹp mắt và hiếm lạ có màu xanh lam đậm có được do tiếp xúc với bức xạ tự nhiên. Dù màu sắc đẹp mắt là vậy nhưng đá Maxixe có một nhược điểm đáng tiếc: màu sắc bị phai dần thành màu vàng nâu nhạt kém hấp dẫn khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Màu có thể được phục hồi khi được chiếu xạ, nhưng rồi cũng sẽ nhanh chóng bị mất khi tiếp xúc với ánh sáng.
Đá Maxixe lần đầu tiên được tìm thấy vào năm 1917 trong một khu mỏ tại khu vực Minas Gerais của Brazil. Một số nguồn khai thác khác cũng cung cấp đá Maxixe với trữ lượng nhỏ.
Đá Beryl: Chatoyant Beryl
Đá Chatoyant Beryl còn có tên gọi là đá Beryl Mắt mèo.
Các loại đá Beryl có thể chứa một dạng tạp chất đặc đặc biệt, nếu được cắt đúng hướng sẽ tạo ra hiệu ứng mắt mèo độc đáo. Aquamarine, Beryl vàng và ngọc lục bảo là những loại Beryl có nhiều khả năng được cắt thành Beryl mắt mèo nhất..
Những viên Beryl mắt mèo có giá trị nhất sẽ có màu sắc đẹp đều, hình mắt mèo sáng và cân xứng.
Đây là một viên Ngọc Lục Bảo nhân tạo có hiệu ứng mắt mèo cân xứng
Đá Beryl: Pezzottaite
Được phát hiện vào năm 2003 và được đặt theo tên của nhà đá quý học Federico Pezzotta, Pezzottaite là một loại đá Beryl có màu hồng nhạt đến hồng hiếm có.
Ban đầu, loại đá này bị nhầm lẫn với đá Beryl đỏ nhưng sau đó đã được nhận biết bởi các đặc tính khác biệt về hóa học, quang học và tính chất vật lý. Pezzottaite không phổ biến trong trang sức đá quý do sự khan hiếm và một số mỏ khai thác trên thế giới hiện đã cạn kiệt.
Đá Beryl vàng
Đá Beryl vàng có từ các mỏ sắt nhỏ, được phát hiện lần đầu tiên ở Namibia vào năm 1913 trong một loại đá pegmatit cũng tạo ra Ngọc hải lam Aquamarine. Ngày nay, nguồn cung chủ yếu loại đá này đến từ Brazil và Madagascar.
Không nên nhầm lẫn Beryl vàng với Heliodor, một loại đá Beryl khác. Hai loại đá có thể được phân biệt bằng màu sắc của chúng: Beryl vàng có màu vàng tươi, ấm áp, trong khi đá Heliodor có màu xanh lục vàng nhạt.
Đá Beryl nhân tạo
Đá Beryl nhân tạo được sản xuất và sử dụng trên thị trường đá quý từ những năm 1930. Các loại đá Beryl này có thành phần hóa học và tính chất vật lý tương tự như Beryl tự nhiên. Những viên đá nhân tạo này có vẻ đẹp sánh ngang đá quý tự nhiên nhưng giá thành lại thấp hơn nhiều.
Nhiều người chọn Emerald nhân tạo bởi màu sắc vượt trội, độ bền cao và chi phí thấp hơn so với đá quý tự nhiên.
Những bộ trang sức bằng ngọc lục bảo nhân tạo rất được yêu thích. Kiểu nhẫn với một viên ngọc lục bảo nhân tạo đẹp mắt làm viên đá trung tâm được bao quanh bởi những viên kim cương tấm được bán ở nhiều cửa hàng trang sức mỹ nghệ.
Phần lớn đá Beryl nhân tạo ngày nay được sản xuất bằng phương pháp thủy nhiệt. Đá nhân tạo được nhận biết bằng kính hiển vi, soi thấy các dấu hiệu của quá trình tăng trưởng thủy nhiệt – các khu vực phân vùng tăng trưởng kiểu chevron – dưới ánh đèn chiếu sáng trực tiếp với độ phóng đại từ 10x đến 40x.
Ngọc lục bảo nhân tạo dưới độ phóng đại của kính hiển vi
Beryl nhân tạo cũng có thể chứa các tạp chất đặc trưng hoặc có chỉ số khúc xạ khác với Beryl tự nhiên.
Tính chất vật lý và tính chất hóa học của đá Beryl
Thành phần hóa họcBe3Al2Si6O18Khoáng chấtSilicatHệ tinh thểLục giácMàu sắcXanh lục, vàng, xanh lam, đỏ, hồng, cam, không màuMàu vết vạchKhông màuĐộ bóngGiống thủy tinhĐộ trongTrong mờ đến trong suốtPhân tách tinh thểKhông hoàn toànĐộ cứng7.5 – 8 trên thang điểm MohsTrọng lượng riêng2.6 – 2.8
Nguồn: https://redonland.com
Danh mục: Phong Thủy