ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT
NGUYỄN HỮU VIỆT
Bạn đang xem: ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT
Địa Tạng (Bồ tát), tiếng Phạn là Khất thoa để bá sa (Ksitigarbha), tiếng Trung Hoa gọi đủ là “U minh Giáo chủ Địa Tạng vương Bồ tát”. Ngài giáng sinh vào ngày 13 tháng 7 âm lịch.
Địa Tạng Bồ tát ở trên cung trời Đao Lị (là cảnh trời thứ 2 trong 6 cõi trời của Dục giới trên đỉnh núi Tu Di cõi Diêm Phù Đề). Theo kinh Phật, ngài là vị Bồ tát hiện thân trong Lục đạo (sáu đường gồm: Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh, A tu la, Nhân gian, Thiên thượng, chính là sáu đường luân hồi của chúng sinh) để cứu độ mọi chúng sinh từ trên trời cho tới địa ngục, cho nên gọi là Đại nguyện, có nghĩa là muốn cứu độ hết mọi chúng sinh trên thế gian.
Xem thêm : Địa Tạng Vương Bồ Tát có phải Mục Kiền Liên? Cách phân biệt Địa Tạng Vương Bồ Tát và Mục Kiền Liên.
Kinh Địa Tạng bản nguyện chép: Khi đức Phật Thích Ca lên cung trời Đao Lị để thuyết pháp cho Thánh mẫu nghe, giữa chốn đại hội đủ hết thảy chư Phật, chư Bồ tát và các vị thánh chúng, Ngài ân cần phó chúc (dặn dò) cho Bồ tát Địa Tạng rằng: “Ta đem việc chúng sinh ở cõi trời và cõi người chưa thoát khỏi tam giới, lục đạo, còn bị ở trong nhà lửa, nhờ cậy ở Bồ tát đừng để cho chúng sinh ấy đày đọa trong mọi nơi ác đạo”. Kinh còn chép: “Ở vào khoảng sau khi đức Thích Ca Mâu Ni diệt độ, mà đức Di Lặc chưa ra đời thì đức Bồ tát Địa Tạng thường hiện thân vào cõi nhân gian, cõi thiên giới và cõi địa ngục để cứu khổ cho chúng sinh”. Bởi có lời phó chúc của Phật và lại có thần thông rất lớn nên Địa Tạng Bồ tát thường hay biến hiện lên xuống trong lục đạo để hóa độ chúng sinh.
Ngài giáo hóa cho chúng sinh đang sống trong lục đạo Nhẫn nhịn, an nhiên bất động như đất lớn (đại địa), tĩnh lặng mà sâu kín như tàng chứa những điều bí mật, nên gọi là Địa Tạng.
Trong Mật giáo, Bồ tát Địa Tạng còn có mật hiệu là Bi Nguyện Kim Cương hoặc là Dữ Nguyện Kim Cương. Trong Kim Cương giới, thị hiện là vị Bồ tát ở phương Nam tên là Bảo Sinh Như Lai. Trong Thai Tạng giới, Địa Tạng là vị Trung Tôn Địa Tạng Tát Đóa trong chín bậc tôn. Trong thời gian từ sau khi đức Thích Ca nhập Niết bàn cho đến ngày trước khi đức Phật Di Lặc ra đời, Bồ tát Địa Tạng là người cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh. Bồ tát nguyện cứu độ hết chúng sinh trong lục đạo rồi mới nguyện thành Phật.
Bồ tát hiện thân trong cõi người, cõi trời và trong địa ngục với dáng đầu tròn, tay cầm viên ngọc quý, tay kia cầm tích trượng. Cũng có thuyết nói Bồ tát Địa Tạng là hóa thân của Diêm La Vương. Còn chỉ sau khi đức Thích Ca tịch diệt khoảng 1.500 năm, Bồ tát giáng sinh trong một gia đình ở nước Tân La (tức Triều Tiên ngày nay), họ Kim, niên hiệu là Kiền Giác. Năm Vĩnh Huệ thứ 4, ngài 24 tuổi thì cắt tóc đi tu.
Bồ tát thường dắt theo một con chó trắng rất giỏi đánh hơi, cưỡi thuyền đến đất Giang Nam, phủ Trì Châu. Ở phía Đông huyện Thanh Dương, phủ Trì Châu có ngọn núi Cửu Hoa, ngài lên đỉnh núi tọa thiền 75 năm. Đến năm Khai Nguyên thứ 6 thời Đường, vào đêm 30 tháng 7 thì thành đạo. Lúc đó ngài 99 tuổi.
Xem thêm : 7 THỦ ẤN NHÀ PHẬT – 7 TRẠNG THÁI CỦA TÂM
Bấy giờ có vị quan trong triều là Mẫn Công, vốn sốt sắng làm việc thiện, mỗi lần cúng trai cho 100 vị sư tăng. Một hôm thiếu mất một vị, Mẫn Công bèn lên núi, mời ngài Đông tăng tức Bồ tát Địa Tạng tới dự lễ cho đủ số. Ngài Địa Tạng xin một mảnh đất rộng bằng cái áo cà sa, Mẫn Công đồng ý. Bồ tát cầm áo tung lên, che kín cả ngọn núi, mọi người đều vui vẻ.
Người con của Mẫn Công hết sức khâm phục, xin được xuất gia theo Địa Tạng, sau này là Đạo Minh Hòa thượng. Về sau, Mẫn Công cũng tự nguyện thoát tục, theo con là Hòa thượng Đạo Minh và nhận làm thầy học. Do vậy, ngày nay người ta thấy hai pho tượng hai bên Địa Tạng Bồ tát, là theo tích đó. Lại nữa, điện Nhục Thân ở trên núi Cửu Hoa, tương truyền là nơi Bồ tát Địa Tạng tọa thiền thành đạo. Nơi đó, lâu ngày hóa thành chùa, tức là Địa Tạng Vương cung. Muốn lên tới nơi phải đi qua 81 bậc đá vô cùng hiểm trở. Ở đó còn rất nhiều di tích của Bồ tát Địa Tạng.
Do Bồ tát Địa Tạng có nhiều phép biến hóa nên ngài có sáu danh hiệu gọi là Lục Địa Tạng như sau:
1) Đầu đà Địa Tạng là hóa thân ở địa ngục, tay cầm tràng phan hình đầu người; 2) Bảo châu Địa Tạng, là hóa thân trong đạo Ngã quỷ, tay cầm bảo châu (ngọc quý); 3) Bảo ấn Địa Tạng, là bậc hóa thân trong đạo Súc sinh, duỗi tay kết bảo ấn Như ý; 4) Trì Địa Tạng, là hóa thân trong đạo A tu la, thường hai tay nâng quả đất, biểu hiện cho sự nâng đỡ, ủng hộ A tu la; 5) Trừ cái chướng Đại Tạng là hóa thân trong nhân loại, trừ 8 món khổ che lấp nhân loại; 6) Nhật quang Địa Tạng là bậc hóa thân trong cõi Trời, ánh sáng soi tỏ Ngũ suy của người và trời mà diệt trừ mọi phiền não.
Kinh Liên hoa tam muội chép: “Địa Tạng Bồ tát có hiệu là Thắng quân Địa Tạng, đầu đội mũ trụ, mặc áo giáp Đà la ni, đeo con dao lớn “Kim cương trí”, vác cành phướn “Phát âm tu hành”, cầm thanh gươm “Trảm ác nghiệp phiền não quân”. Hai bên tả hữu có hai đồng tử là Chướng thiện và Chướng ác đứng hầu”. Đó là hình dung cái tướng của Địa Tạng rất dũng mãnh về sự đánh phá những điều tàn ác làm cho những sự quang minh từ thiện được thắng lớn vậy. Kinh Địa Tạng bản nguyện còn chép nhiều chuyện như nói ngài thường hiện ra người nhi nữ để cứu cho cha mẹ thoát khỏi nơi địa ngục mà sinh về cõi Cực lạc. Bởi vậy, người ta gọi kinh ấy là sách Hiền kinh của nhà Phật. Trong kinh có chỗ nói rõ: Khi người ta chết rồi, cứ 7 ngày vong nhân bị một lần xét hỏi về cái nghiệp quả của mình, đến ngày thứ 49 là ngày bảy lần bảy, thì định xong: Ai có cái nghiệp thế nào phải chịu như thế. Kinh ấy lại tả rất tường tận các thứ địa ngục ở âm phủ. Vậy nên người ta theo đó mà làm ra các động Thập điện ở trong chùa để trừng giới những kẻ gian ác.
Nguồn: https://redonland.com
Danh mục: Phật giáo