Phật tổ tam kinh 佛祖三經 hay còn gọi là Tam kinh nhật tụng 三經日誦
- San khắc: năm Minh Mạng thứ 11, Canh Dần 1830
- Trùng tự: năm Tự Đức thứ 11, Mậu Tuất 1858
- Tàng bản: tại chùa Báo Quốc, Thượng Phúc, Bình Vọng, Thường Tín, nay thuộc Hà Nội
- Tàng thư:
- Viện Nghiên cứu Hán-Nôm Việt Nam, ký hiệu AC.341, AC.545, AC.621
- Thư Viện Quốc Gia Việt Nam, ký hiệu R.2038
- Chùa Thắng Nghiêm, ký hiệu TN.059
- Nguồn ảnh ấn: chùa Đại Từ Ân
Đầu sách có 3 bài tựa: Tam kinh nhật tụng 三經日誦 do Lư Lăng cư sĩ Âu Dương Dĩnh Chất 廬陵居士歐陽頴題; bài tựa Phật Tổ âm kinh 佛祖音經 do Húc Giang Vân Thuỷ Sa di Thích Tại Tại soạn 旴江雲水沙 彌釋在在撰; Phật tử Bảo Liên trùng tự 佛子寶蓮重刻.
Tam Kinh Nhật Tụng do thiền sư Thích Minh Hành, pháp hiệu Tại Tại mang từ Trung Quốc về Việt Nam, và Tỳ kheo ni Diệu Tuệ, hiệu là Thiện Thiện (tức Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên) trùng khắc vào năm Khánh Đức thứ 4 (1652) đời vua Lê Thần Tông. Tới năm Minh Mạng thứ 11, Canh Dần 1830, đại sư Chiếu Thường tại chùa Hoa Lâm uỷ thác cho Phổ Thiền tái khắc, đang khắc dở thì sư Phổ Thiền viên tịch. Đến năm Tự Đức thứ 11 (1858), đệ tử của Phổ Thiền là Sa-môn Bảo Đỉnh ở chùa Đa Bảo nhân có được bản Phật Tổ Tam Kinh (bản Khánh Đức) từ hành giả của chùa Văn Bối (Kim Bảng) nên tiến hành trùng ấn để hoàn thành tâm nguyện của thầy Tổ. Vào năm Thành Thái thứ 8, Bính Ngọ (1906), thiền sư Nguyên Uẩn (1864-1914) hưng công in ấn bộ Phật Tổ Tam Kinh Luận Quán Thuyết; cũng là bộ Phật Tổ Tam Kinh, thiền sư Nguyên Uẩn tham bác ý kiến Đại sư Nguyên Biểu mà viết thêm lời chú thích .
Bạn đang xem: Phật Tổ Tam Kinh
Xem thêm : Sự tích mối thân tình giữa Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền.
Phật Tổ Tam Kinh 佛祖三經 là ba bộ kinh sách của đức Phật và của Tổ, bao gồm hai kinh là kinh Tứ thập nhị chương 四十二章 và kinh Phật di giáo 佛遺教 do đức Phật thuyết giảng, và một bộ sách là Quy sơn cảnh sách 潙山警策 do ngài Linh Hựu soạn. Bộ Phật Tổ Tam Kinh có từ khi nào thì cho tới nay vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng. Chỉ biết rằng, vào thời Bắc Tống đời vua Nhân Tông (tại vị 1023- 1064) đã có sách này. Sau đó, có thiền sư Thủ Toại 守遂, (1072-1147) thuộc phái Dương Kỳ, tông Lâm Tế đời thứ 9, soạn Phật Tổ Tam Kinh Chú 佛祖三經註. Đây là bộ sách kinh sách căn bản, dùng làm sách nhập môn cho người học Thiền vào thời Bắc Tống, khi mà Thiền tông là trung tâm của Phật giáo vào thời gian ấy, được biểu hiện qua sự hưng thịnh của các thiền phái như Lâm Tế, Vân Môn và Pháp Nhãn. Phật Tổ Tam Kinh cũng là bộ kinh sách căn bản, thiết yếu cho người mới nhập môn tu Thiền ở quốc gia lân cận.
Kinh Tứ thập nhị chương có ba bản: một là, Đại chính tân tu Đại tạng kinh, quyển 17, kinh số 784, đây là bản kinh xưa nhất; hai là, bản thông hành hiện nay, có vào đầu đời Tống, nằm trong các bản chú thích trong Vạn Tục tạng kinh, như: Phật Tổ Tam Kinh chú , Phật thuyết Tứ thập nhị chương kinh chú, Phật thuyết Tứ thập nhị chương kinh giải, Tứ thập nhị chương kinh sớ sao, và Phật thuyết Tứ thập nhị chương kinh trong Phật Tổ Tam Kinh chỉ nam; ba là, bản chính văn mà Hoàng đế Chân Tông của đời Tống đã chú thích.
Kinh Di giáo là gọi tắt danh đề Kinh Phật thùy bát niết bàn lược thuyết giáo giới, nghĩa là Kinh Giáo huấn vắn tắt lúc sắp niết bàn của đức Phật, do ngài Cưu Ma La Thập dịch. Các bản luận chú kinh Di giáo gồm có: Di giáo kinh luận, Phật Di giáo kinh luận sớ tiết yếu, Di giáo kinh bổ chú, Di giáo kinh giải, Di giáo kinh luận pháp trú ký, Di giáo kinh luận ký, Phật di giáo kinh trong Phật Tổ Tam Kinh chỉ nam. Đặc biệt, Di giáo kinh luận do Bồ tát Thiên Thân trước tác, trong đó ngài Thiên Thân nói kinh Di giáo là đạo phương tiện của Bồ tát.
Xem thêm : Suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Quy Sơn cảnh sách là những bài văn mà trong Thiền môn sớm tối thường đọc để cảnh tỉnh sự tu hành, và vì lời dạy của ngài Linh Hựu 靈祐 (771-853) rất thiết tha và thiết yếu cho sự luyện tâm nên giới Phật xem như lời Phật dạy, bởi vậy nên được gọi là kinh. Quy Sơn cảnh sách chú của ngài Thủ Toại đời Tống, Quy Sơn cảnh sách trong Phật Tổ Tam Kinh chỉ nam, Quy Sơn cảnh sách cú thích ký, Quy Sơn cảnh sách chú của ngài Đại Hương đời Minh là các bản chú giải nằm trong Đại tạng kinh và Tục tạng kinh. Riêng Quy Sơn cảnh sách cú thích ký của ngài Hoằng Tán chú, ngài Khai Quýnh ký được thông dụng trong Thiền môn vì sự phân đoạn và lời chú giải của hai ngài đầy đủ nhất.
Trung tâm tư liệu PGVN ngộ duyên có được sự hoan hỉ của thầy Thích Tiến Đạt cho ảnh ấn, nguồn từ bản tàng thư tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Xét thấy tầm quan trọng và giá trị to lớn của bộ kinh này, trung tâm mạo muội ấn tống từ bản ảnh ấn kể trên, để pháp bảo được lưu truyền, hoằng pháp hanh thông.
Nguồn: https://redonland.com
Danh mục: Phật giáo