Trong Kim Cương thừa có một điểm rất quan trọng bạn nên nhớ là phải tránh chạy theo các bậc thầy và thụ nhận quán đỉnh mà không kiểm tra trước với Bậc căn bản Thượng sư của bạn để xem bạn đã sẵn sàng phù hợp với pháp thực hành này chưa. Hãy cẩn thận nếu bạn nghe thấy rằng một vài quán đỉnh rất bí mật sẽ được cử hành ở đâu đó vì nếu bạn tham gia các quán đỉnh này mà chưa được chuẩn bị hoặc có một nền tảng tu tập vững chắc thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Sự vội vã thậm chí có thể hủy hoại đường đạo của bạn. Trên con đường tâm linh, nếu chúng ta tập trung vào một Truyền thừa, và sự hướng đạo duy nhất của một bậc Thầy, chúng ta sẽ được bảo hộ, an toàn và sức mạnh tâm linh sẽ ngày càng vững chắc.
Tất cả chúng ta đều có nghiệp nhân dẫn tới một con đường tâm linh này hay khác. Để lựa chọn một con đường tâm linh đúng đắn, đòi hỏi chúng ta cần có sự vận trí và khả năng phân biệt tinh tế hơn bao giờ hết, vì đây là con đường liên quan đến chân lý tối thượng. Đến với con đường ấy và biết rõ hành lý bạn mang theo: những thiếu sót, tưởng tượng, yếu đuối, phóng chiếu của tâm thức. Trong khi tự ý thức được tự tính chân thực của bạn là như thế nào, bạn hãy khiêm cung nhận ra mình đang ở đâu trên con đường tâm linh, và những gì còn phải được thấu hiểu và thực chứng.
Điều quan trọng nhất là bạn đừng để vướng vào tình trạng chung của xã hội hiện đại, một kiểu “đi siêu thị tâm linh”: Chạy quanh từ thầy này đến thầy khác, giáo lý này đến giáo lý khác, mà không có sự dấn thân vào thực hành bất cứ nền giới luật nào. Hầu hết mọi bậc thầy tâm linh thuộc mọi truyền thống đều đồng ý rằng điều cốt yếu là phải làm chủ, nắm vững lấy một đường lối tu tập, một con đường đưa đến chân lý, bằng cách tuân theo một truyền thống với tất cả con tim khối óc, đi cho đến cuối cuộc hành trình tâm linh, trong khi vẫn giữ thái độ cởi mở kính trọng đối với tri kiến của các truyền thống khác. Cổ nhân có câu: “Khi biết rõ một chuyện thì ta có thể thành tựu được tất cả.” Tư tưởng đặc biệt thời nay là chúng ta có thể luôn luôn cởi mở cho mọi chọn lựa và bởi thế không bao giờ dấn mình vào một con đường nào. Nhưng đấy là một trong những ảo tưởng lừa dối nhất trong nền văn hóa hiện nay, một trong những cách bản ngã phá hỏng sự tu tập của chúng ta hiệu nghiệm nhất.
Khi bạn cứ tiếp tục tìm kiếm mãi, thì chính sự tìm kiếm trở thành một căn bệnh ám ảnh bạn. Bạn trở thành một khách du lịch về tâm linh, đi khắp nơi chốn mà không bao giờ tới được một chỗ nào. Một bậc Thầy giác ngộ dạy rằng: “Bạn để con voi của bạn ở nhà mà đi tìm dấu chân của nó ở trong rừng”. Theo một con đường không phải là kiểu tự giam giữ bạn hay để con đường ấy độc chiếm đối với bạn. Mà con đường ấy là một phương tiện thiện xảo đầy bi mẫn để giữ cho bạn luôn tập trung vào đấy, dù có bao nhiêu trở ngại mà bạn chắc chắn sẽ gặp phải.
Xem thêm : Tháng cô hồn là gì, nguồn gốc và ý nghĩa thế nào?
Bởi thế, khởi hành lên đường tu tập là một chuyện, nhưng có được sự kiên nhẫn, trì chí, tuệ giác, can đảm và sự khiêm hạ để theo cho đến cùng, là một chuyện khác. Bạn có thể có nhân duyên để tìm ra một bậc Thầy, nhưng khi ấy chính bạn phải tạo ra nghiệp nhân tốt lành để phụng sự bậc Thầy ấy. Rất ít người trong chúng ta biết được làm cách nào để phụng sự bậc Thầy, đó là cả một nghệ thuật. Cho nên dù giáo lý có vĩ đại đến đâu, bậc Thầy vĩ đại đến đâu, điều cốt yếu vẫn là bạn phải tìm trong chính bạn tuệ giác bản lai và sự thiện xảo trong tu tập, để khơi dậy tâm chí thành sâu sắc nhất lên bậc Thầy và giáo lý mà Ngài chỉ dạy.
(Nguồn: “Tạng thư sống chết” Nhà xuất bản Hồng Đức, 2014)
Tham khảo thêm
Thượng sư đệ tử – Mối liên hệ linh thiêng
Nguồn: https://redonland.com
Danh mục: Phật giáo