Định Tiến nói riêng và huyện Yên Định nói chung là vùng đất cổ, lại thêm có dòng Mã giang chảy qua, nơi đây từ xa xưa đã được phù sa bồi đắp nên ruộng đồng, bờ bãi màu mỡ rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nghề trồng lúa nước.
Đền thờ Nguyễn Phục hay còn gọi là nghè làng Mỹ Lộc ở xã Định Tiến (Yên Định).
Bạn đang xem: Linh thiêng nghè Mỹ Lộc
Xã Định Tiến (Yên Định) hiện có 5 thôn: Lang Thôn, Duệ Thôn, Yên Thôn, Tam Đồng và Mỹ Lộc. Trong đó, nhắc đến Mỹ Lộc là nhắc đến những câu chuyện về văn hóa, về ngôi đền nằm lặng lẽ trong thôn.
Sau khi đưa chúng tôi đi tham quan một vòng quanh làng, ông Vũ Trọng Tiến, bí thư chi bộ thôn giới thiệu: “Đã về Mỹ Lộc là phải tới thắp hương và vãn cảnh nghè làng, một di tích linh thiêng bậc nhất ở vùng này”.
Nghè Mỹ Lộc là tên mà dân gian thường gọi thay vì tên quản lý nhà nước Đền thờ Nguyễn Phục – để định danh về tâm linh, tín ngưỡng của người làng mình. Theo Hương ước cổ làng Mỹ Lộc, xã Định Tiến được đóng quyển gần 20 trang bằng chữ Hán, lập ngày 24 tháng 2 năm Thiệu Trị 7, tức năm 1847 (dưới triều Nguyễn) cách nay 176 năm, thì nghè làng Mỹ Lộc thờ Đông Hải Linh ứng Huệ trạch Hoằng Hiệp Quảng nhuận (tức Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục). Theo đó, dân làng Mỹ Lộc đã rước chân hương từ nhà thờ Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục tại xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương (nay thuộc phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn) về lập nghè thờ Thần hoàng làng.
Còn trong sách “Lịch sử Đảng bộ xã Định Tiến” (NXB Thông tin) lại ghi cụ thể rằng thời điểm đó, ở Lỗ Thôn (nay là thôn Mỹ Lộc) có cụ Mai Văn Y làm quan dưới triều vua Lê Ý tông, niên hiệu Vĩnh Hựu được sắc phong: Phấn lực tướng quân, sau là Minh Vũ tướng quân xin rước chân hương đức Thám hoa Nguyễn Phục – sắc Đông Hải – thượng đẳng thần về lập Thành hoàng làng.
Xem thêm : 7 THỦ ẤN NHÀ PHẬT – 7 TRẠNG THÁI CỦA TÂM
Nguyễn Phục quê ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Ông thi đỗ Hoàng giáp tiến sĩ niên hiệu Thái Hòa (1443-1453) thời vua Lê Nhân tông. Ông đã làm quan đến chức Hàn lâm phi viện tướng quân, kiêm chức sư phụ dạy học cho các Thần vương, Hoàng tử trong triều. Năm 1467, ông được bổ nhiệm chức tham chính sứ, xứ Thanh Hoa. Ông đã có công lớn trong việc đánh đuổi giặc Chiêm Thành và trấn an cửa biển.
Có lần, khi vua Lê Thánh tông đem quân đi đánh dẹp Chiêm Thành, Nguyễn Phục giữ chức Đô chỉ huy sứ đốc vận chuyển quân nhu. Một lần đi tiếp tế quân lương, thuyền vận lương gặp bão lớn ở cửa Lạch Trào, ông quyết định chờ tan bão mới xuất quân vì thế lương bị chậm vài ngày. Quân luật khép ông vào tội “Bất tuân quân lệnh”, xử chém vào ngày 20 tháng 10 năm Canh Dần (1470) và táng tại địa phận phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn ngày nay.
Sau khi ông mất, xét công lao của ông đã đóng góp cho đất nước, vua Lê Thánh tông đã truy tặng sắc phong và cho dựng rất nhiều đền để thờ ông. Các triều đại sau như đời Lê Hiến tông, Lê Dụ tông đều sắc phong Nguyễn Phục hàng Thượng đẳng phúc thần.
Một con người khoa bảng, một người dám chịu tội trước hành động của mình, đồng thời là người thương dân, thương quân… tấm lòng ấy khiến Nhân dân khắp nơi nể phục, trong đó có dân làng Mỹ Lộc. Việc rước ngài về thờ cũng bởi mong muốn giáo dục cháu con giữ được đức, tài, để xây dựng làng, xã tốt hơn. Đó là lý do mà đền thờ Nguyễn Phục có mặt trên đất Mỹ Lộc.
Theo ông Nguyễn Văn Kếnh (sinh năm 1927) là người cao tuổi của làng, cho biết: “Khi chúng tôi lớn lên được nghe kể rằng nghè làng (đền thờ) có vị thế đẹp. Trước cổng là ao tụ thủy, phía bên phải ao là giếng nước, xung quanh được bao bọc bởi những hàng cây duối, cây dứa dại. Trong khuôn viên có nhiều loại cây như đại, vạn tuế, thông… Nằm giữa quang cảnh hữu tình ấy, nghè là nơi tránh nắng mỗi buổi trưa của bà con. Có khoảng thời gian, nghè làng còn là trường học, rồi làm trụ sở Đảng ủy, UBND xã Định Tiến. Tiếc là giai đoạn năm 1960 chống mê tín dị đoan, nghè đã bị đập phá hoàn toàn. Đến cuối những năm 90 của thế kỷ XX, dân làng Mỹ Lộc đã tự nguyện đóng góp dựng lên một gian nhà lợp ngói ngay trên nền móng cũ để đáp ứng nhu cầu tâm linh.
Trước đây, làng có 3 lễ tế lớn, ngoài ra còn có các lệ. Và để đảm bảo thuần phong mỹ tục, hương ước làng Mỹ Lộc cũng đưa ra các quy định cụ thể như: việc hội ẩm, lệ chơi xuân, việc xử trộm cắp…
Xem thêm : "Phật giáo ViệtNam- đạo ca đi cùng năm tháng
Vừa kể với chúng tôi, ông Vũ Trọng Tiến, bí thư chi bộ vừa cho biết: Làng xưa ngoài nghè thờ Thành hoàng làng Đông Hải đại vương Nguyễn Phục, trên đất làng còn có chùa Hoa Nghiêm, phủ thờ Lê Triều đệ nhị công chúa Lê Thị Diệu; có đình làng, có văn chỉ thờ Khổng phu tử và tứ phối; miếu thờ Thái giám Hà Quốc Công. May mắn sau này, bà con đã dựng lại nghè trên chính nền móng cũ.
“Chỉ xoay xung quanh nghè là bao nhiêu câu chuyện tâm linh. Một mặt Đông Hải đại vương Nguyễn Phục phù hộ độ trì cho con cháu trong làng sức khỏe, trí tuệ thì đồng thời cũng thể hiện thái độ với những người phỉ báng thần thánh, phá bỏ nghè”, ông Tiến nói thêm.
Ngày nay, về làng Mỹ Lộc trên đất xã Định Tiến, từ khi bước qua cổng đền vào trong đã thấy các bức tường rêu mốc, bong tróc. Khuôn viên bằng nền đất nên chỉ cần một cơn mưa là có thể ngập lụt, cảnh quan quá hoang sơ. Hiện vật quý nhất là bức đại tự có câu đối ca ngợi công đức của Nguyễn Phục: “Khoa giáp ức niên lưu Việt quốc/ Miếu đường thiên cổ lẫm thần uy” (Khoa quốc vạn niên lưu nước Việt/ Miếu đường nghìn thuở vẫn lẫm liệt uy danh bậc thần) giờ cũng chỉ được ghi lại trong tài liệu của làng và lưu truyền trong trí nhớ của Nhân dân.
Là một trong số ít làng trong tỉnh có hương ước từ rất sớm, con cháu trong làng lớn lên tự nhắc nhau giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại. Những quyết tâm và nỗ lực ấy đang được thể hiện rõ nhất trong hành trình XDNTM kiểu mẫu. Với 280 hộ dân/1.000 nhân khẩu, đời sống người dân thôn Mỹ Lộc khá cao. Vì thế, chỉ trong vài năm gần đây, với quyết tâm tôn tạo lại nghè làng, người dân Mỹ Lộc đã đóng góp được gần 1 tỷ đồng. “Đầu năm 2023, UBND huyện Yên Định đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin chủ trương tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền thờ Nguyễn Phục tại làng Mỹ Lộc, xã Định Tiến mà dân địa phương quen gọi là nghè làng Mỹ Lộc. Dự kiến mức đầu tư trên 3 tỷ đồng, huy động từ nguồn xã hội hóa và vốn huy động hợp pháp khác. Hy vọng rằng trong thời gian không lâu, đền thờ Nguyễn Phục sẽ được đầu tư xây dựng nhà chính và các hạng mục phụ trợ như cổng, tường rào, sân đường, cây xanh cảnh quan và ao”, ông Lê Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Định Tiến, cho biết.
Đền thờ Nguyễn Phục đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh vào năm 1999. Đến nay, di tích đã xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, bà con nhân dân thôn Mỹ Lộc chúng tôi rất mong muốn công trình sớm được tu bổ, tôn tạo”, ông Nguyễn Văn Toàn, trưởng thôn Mỹ Lộc, bày tỏ tâm tư.
Mỗi di tích gắn với rất nhiều câu chuyện văn hóa. Đền thờ Nguyễn Phục chính là một phần đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân thôn Mỹ Lộc (Định Tiến).
Bài và ảnh: CHI ANH
Nguồn: https://redonland.com
Danh mục: Phật giáo