Tâm linh và tâm lý.
Tâm linh của mỗi người thường bắt nguồn từ tâm lý. Mỗi người thường có tâm lý riêng, nhưng già, trẻ, trai, gái, dân tộc, tôn giáo nào từ xưa đến nay đều có một tâm lý chung, đó là mong muốn cuộc sống của mình luôn được bình an, no ấm, gặp điều lành, tránh điều dữ, muốn “nhân khang vật thịnh” “phú quý thọ khang ninh” hưởng phúc lâu dài.
Bạn đang xem: Diễn đàn
Người xưa khi đời sống thấp kém, khoa học chưa phát triển, cuộc sống của con người luôn bị đe dọa bởi thiên nhiên, thú dữ và cả con người với nhau nên không mấy khi đạt được mong muốn của mình. Họ không tin tự mình có thể giải quyết được tai họa từ đâu đến, cảm thấy mình bất lực, nên hình dung ra bên cạnh mình luôn có đấng thần linh vô hình ngự trị ở bên trên, có thể gây họa hoặc giáng phúc cho mình. Muốn được đấng thần linh vô hình ấy phù hộ thì phải cầu cúng họ, dù đó là hòn đá, bụi cây, sấm chớp, mây mưa, và qua một số lần cầu cúng, có lúc họ thấy ứng nghiệm như đang hạn gặp mưa, đang ốm, cúng thì khỏi.v.v… nên họ lại càng vững tin rằng cuộc sống của mình luôn có thần linh theo dõi, nếu siêng cầu cúng sẽ được thần linh phù hộ. ý thức ấy đã ăn sâu vào tâm trí con người, đời trước truyền sang đời sau, không mất.
Tâm linh nói trên có ở hầu hết mọi người, nhưng tâm linh ước nguyện này thường không định hình ở một thần linh nào, một nơi nào mà ai nghe nói ở đâu có thần thiêng là đến, ai mách cầu cúng gì hiệu quả thì theo, dân gian có câu “có bệnh thì vái tứ phương” là thế. Nó không giống một tín đồ tôn giáo chỉ tin vào vị thánh mình tôn thờ như giáo dân đạo thiên chúa chỉ tin vào Chúa trời, tín đồ đạo Hồi chỉ tin vào đức Thánh A la và phật tử chỉ tin vào Đức Phật.
Cho đến bây giờ, con người đã bay lên vũ trụ, đã tạo được sinh con trong ống nghiệm, đời sống được nâng cao rất nhiều, y tế phát triển mạnh, nhưng con người vẫn chưa tin rằng mình có thể tránh được và khắc phục những rủi ro trong cuộc sống nếu như có sóng thần, động đất, có khi hàng ngàn người chết mà chỉ ít người may mắn thoát được. Một chuyến máy bay bị tai nạn rơi xuống đất, có người chết, có người thoát khỏi tử vong và trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, có người hôm nay giầu ngày mai phá sản, có người phút chốc công danh nở rộ nhưng cũng có người lẹt đẹt suốt đời. May rủi khôn lường, nên người ta vẫn tin vào số mệnh, vận hạn, có được thần linh che chở, phù hộ hay không. Ýá thức có thần linh dẫn dắt vẫn luôn ngự trị trong người không buông.
Ngoài đi cầu cúng thần linh ra, người ta còn xem bói, xem tướng, xem số tử vi, bài tự, xem phong thủy âm trạch dương trạch… để mong biết được số phận của mình, mồ mả ông cha có động không, có để phúc ấm cho con cháu không với mục đích cuối cùng vẫn là mong muốn được bình yên mạnh khỏe, ăn nên làm ra. Mọi sự sắp xếp, cải tiến của xã hội không bao giờ chấm dứt được mọi rủi ro đối với con người, cuộc sống vẫn có cái may rủi, vậy thì ngoài sự tự thân phấn đấu, con người vẫn mong sự phù trợ của đấng vô hình. Thế thì ý thức tâm linh vẫn luôn hiện diện trong đời sống tinh thần của người hiện đại.
Xem thêm : Khoa học lý giải Tâm linh như thế nào?
Trước đây, có một thời người ta cổ vũ cho thuyết vô thần, cho rằng thờ cúng ở đình chùa là chịu ảnh hưởng của ý thức hệ phong kiến, nên hăng hái phá đi. Không biết những người đập phá ấy có bị thần phật quở phạt không, nhưng có người phát ốm mà chết, con cháu họ tin rằng bị thần phật quở phạt, phải lễ tạ, sau này khi xây dựng chùa lại, con cháu những người ấy phải đúc chuông tô tượng để sám hối.
Trong thời kỳ xây dựng CNXH, thực hiện phát triển kinh tế có kế hoạch, mọi sự tiêu dùng đều theo tem phiếu định lượng, mọi người không có nhiều tài sản riêng, mọi thứ đều quy vào tập thể thì sự phát triển tâm linh chậm và ít. Người ta trông chờ vào sự phân phối của Nhà nước, có ước vọng hơn người cũng khó thực hiện nên việc cầu cúng giảm hẳn đi. Đến thời kinh tế thị trường phát triển, sự may rủi tăng cao thì ý thức tâm linh cũng phát triển, cầu cúng lại lên ngôi, cho đến bây giờ thì ý thức tâm linh phát triển mạnh, có thể nói là quá mức cần thiết.
Tâm linh và tâm hồn.
Dù tin tưởng tâm linh đến mấy, nhưng con người sống trên trần thế này vẫn phải tự lực vươn lên, tự làm lấy mà ăn, phải tự hoàn thiện mình, không thể ỷ lại vào thần linh được.
Hiện nay có một số người quá tin vào thần linh, làm việc gì dù to nhỏ thế nào đều cầu cúng xin ý kiến thần linh, chứ không dám tự giải quyết vấn đề.
Một số đông khác dựa vào tâm linh ở một số việc nhất định như làm nhà, cưới xin, chọn việc.v.v… còn những việc khác do mình quyết định.
Loại thứ 3 coi việc cầu cúng, bói toán là liệu pháp an thần, làm việc ấy thì bản thân mình thanh thản và gia đình vui lòng.
Xem thêm : Pháp Phục Phật Giáo
Muốn có tâm linh lành mạnh, mỗi người phải có tâm hồn lành mạnh, trước hết trong con người phải có tính thiện, nếu làm gì lầm lỡ phải biết sám hối như tôn giáo từng dạy. Tâm hồn lành mạnh thì hiệu ứng tâm linh cũng lành mạnh. Đời người ai chẳng muốn no ấm, giàu sang, thăng quan tiến chức, bằng sự phấn đấu tích cực của mình và tin rằng việc mình làm được thần linh ủng hộ, hẳn sẽ đạt kết quả. Dù có trục trặc nhất thời, bản thân không nản, phúc lành chắc sẽ đến. Nếu tâm không sáng, muốn giàu ngang tắt, lừa lọc dối đời thì dù cầu cúng khắp nơi, lễ vật rất lớn, kiêng kỵ đủ thứ, chỉ gặp vận nhất thời, sau đó cũng tiêu ma mà thôi. Điển hình như một số quan chức đã vào vòng tù tội, cũng là những người luôn cầu cúng thần linh, lễ lạt hàng ngày, nhưng tiêu tiền của Nhà nước như rác thì làm sao tránh khỏi bị trừng phạt. Một con người mọi sự đều tin vào thần thánh, dựa vào thần thánh thì bản thân mình không có gì là nét riêng cả. Ngay tử vi đẩu số cũng đã nói đến chuyện này. Khi lấy một lá số tử vi, đầu tiên phải định được Mệnh, Thân. Mệnh là cái mà bố mẹ, tổ tiên thần linh dành sẵn cho mình, còn Thân là nói về bản thân, sự phấn đấu của bản thân. Một người Mệnh tốt, Thân tốt, cuộc đời người ấy sẽ tốt. Một người Mệnh không tốt, thân không tốt, cuộc đời người ấy chẳng ra gì. Một người Mệnh không tốt mà Thân tốt người ấy sẽ làm nên. Gương nhiều người tàn tật, vượt qua tật nguyền, phấn đấu thành đạt là ở chỗ Thân người này tốt. Qua tử vi đẩu số, ta cũng thấy một con người muốn thành đạt, sự phấn đấu của bản thân vượt gian khó là cực kỳ quan trọng. Chúng ta tôn trọng tâm linh, nhưng cần xây dựng một tâm hồn lành mạnh, thì tâm linh sẽ được phúc.
Xin đừng thương mại hóa tâm linh.
Mấy năm trước, tin đồn loan truyền, đền thờ Bà Chúa kho ở xã Cổ Mễ gần thị xã Bắc Ninh rất linh thiêng. Bà là người giữ kho thời Lý, do có công, được vua khen thưởng và phong thần. Ai buôn bán, cần vốn liếng đến cầu cúng xin bà cho ít của rơi, của vãi về làm ăn sẽ rất phát đạt, một vốn bốn, năm lời. Do đó những người buôn bán nô nức đến cầu cúng bà cho vay vốn, phù hộ cho làm ăn phát đạt. Ngày lễ đông tới mức ô tô, xe máy chật đường, kéo dài hàng cây số. Có người còn chứng kiến, người vay tiền năm trước do làm ăn khấm khá, đến lễ tạ đốt cả mấy tờ bạc thật trước mặt mọi người. Đội ngũ biện lễ, cúng thuê xuất hiện, bắt chẹt khách hành hương, gây nên nhiều điều không hay mà báo chí từng đề cập tới.
Ở đình làng Giảng Võ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội thờ bà Chúa kho tên là Lý Thị Châu Nương. Bà có chồng họ Trần, tước Thái Bảo, làm tướng đời Trần, có công đánh thắng giặc ở Châu Hoan, được vua triệu về kinh giao chức Tiền quân dực thánh, bảo vệ kinh thành. Châu Nương giữ việc coi kho Phủ Phụng Thiên, khi quân nhà Nguyên xâm lược kinh thành Thăng Long, bà cất giấu kho lương không để lọt vào tay giặc. Bị giặc vây hãm, bà tự vẫn. Sau ngày chiến thắng, bà được vua truy tặng “Quốc khố công chúa” (Bà chúa giữ kho quốc gia), được dân làng Giảng Võ suy tôn làm Thành hoàng, hàng năm cúng tế, khách thập phương đến cúng lễ rất đông, không hề có chuyện cho xin vay tiền hoặc kèo néo biện lễ.
Bà chúa được thờ ở núi Kho làng Cổ Mễ cũng là một vương phi đã được phong thần, rất đáng kính, nhưng đừng quảng cáo bà cho vay của rơi, của vãi mà mất tính nghiêm trang. Nếu ai đến vay mà bà chúa cũng tùy tiện cho vay thì phép nước không nghiêm, kho tàng trống rỗng.
Cũng như chuyện Thánh vật ở Đền Đô bên bờ sông Tô Lịch, khi báo đăng lên mấy số, chưa biết có ai bị thánh vật không nhưng báo bán chạy vì nhiều người hiếu kỳ và khách đến cúng Đền Đô tăng rất nhanh.
Không nên có dạng thương mại hóa tâm linh ở bất cứ hình thức nào. Cứ để tâm linh phát triển theo tâm thức, nhưng dù coi trọng tâm linh đến mấy, sự phấn đấu của bản thân con người là vô cùng quan trọng./.Nguyễn Huy SanhNhà nghiên cứu văn hóa
Nguồn: https://redonland.com
Danh mục: Phật giáo