Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2022, với tâm lý sẵn sàng “sống chung” với dịch, việc phủ rộng tiêm chủng vắc-xin cùng nhiều lực đẩy, thị trường bất động sản (BĐS) được dự báo tiếp tục lạc quan, triển vọng.
Một năm khó khăn của bất động sản
Bạn đang xem: Triển vọng tích cực cho thị trường bất động sản năm 2022 18/01/2022 13:42:00 1521
Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ chuỗi kinh doanh – sản xuất của nhiều ngành, nghề, làm cho phông nền chung vô cùng ảm đạm, trầm lắng. Lĩnh vực bất động sản cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng. 80% sàn giao dịch không có doanh thu trong quý III/2021; hơn 6 nghìn doanh nghiệp xây dựng tạm dừng kinh doanh; nguồn cung mở bán thấp nhất trong 5 năm qua, tồn kho bất động sản hơn 15 nghìn căn… Hầu hết các dự án bất động sản trên cả nước đều phải dừng thi công vì lệnh giãn cách và đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng không thể triển khai vì cơ quan chính quyền các tỉnh, thành phố phải tập trung chống dịch. Nguồn cung trên thị trường vốn bị thiếu hụt, nay lại không có cơ hội để cải thiện. Hoạt động giao dịch mua – bán bất động sản trên thị trường cũng rất khó khăn vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận… trong khi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch.
Năm 2021 cũng là năm đầu tiên thực thi hàng loạt những luật, bộ luật mới sửa đổi, bổ sung liên quan đến thị trường BĐS như: Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… kết hợp với Luật Xây dựng (sửa đổi) đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở, BĐS. Bên cạnh đó, nhiều nghị định, thông tư thay thế, sửa đổi, bổ sung được ban hành với mục tiêu tháo gỡ tối đa khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp BĐS nói riêng. Đáng chú ý, Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, nhiều điểm mới liên quan đến sổ đỏ, giúp giải quyết phần nào vướng mắc, bất cập trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời gian qua. Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, quy định chi tiết về việc kiểm định đánh giá chất lượng nhà chung cư, lập, phê duyệt kế hoạch cải tạo, xây dựng lại. Yêu cầu về quy hoạch đối với khu vực cải tạo hay việc lựa chọn chủ đầu tư dự án… Những điểm mới này kỳ vọng sẽ giải quyết cơ bản vướng mắc giúp việc cải tạo chung cư cũ thoát khỏi tình trạng chậm tiến độ bởi chính những “rào cản” chính sách. Nghị định số 54/2021/NĐ-CP quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; Nghị định số 25/2020/NĐ-CP đã tháo gỡ “điểm nghẽn” của các dự án BĐS về thủ tục giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu; Nghị định số 68/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cũng ban hành nhiều chính sách góp phần dần hoàn thiện hệ thống pháp lý cho thị trường BĐS như: Thông tư số 01/2021/TT-BXD quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; Thông tư số 02/2021/TT-BXD an toàn cháy cho nhà, công trình; Thông tư 03/2021/TT-BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhà chung cư; Thông tư số 06/2021/TT-BXD phân cấp công trình xây dựng, hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng; Thông tư số 07/2021/TT-BXD xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương…
Xem thêm : Cho Thuê Căn Hộ Chung Cư Mini Tại Hà Nội năm 2023
Bất động sản năm 2022 dự báo có nhiều chuyển biến tích cực
Bước sang năm 2022, thị trường BĐS được dự báo có nhiều chuyển biến tích cực trong bối cảnh các chính sách vĩ mô, tài chính được điều chỉnh linh hoạt, kiểm soát tín dụng tốt… góp phần thúc đẩy, tạo lực kéo để thị trường BĐS phát triển bền vững trong năm 2022. Thị trường BĐS nhà ở được kỳ vọng sẽ phục hồi từ năm nay và có sự chuyển động tăng nhờ một số yếu tố. Tác động tích cực là nguồn cầu được thúc đẩy mạnh nhờ thị trường phục hồi trên diện rộng trong năm. Cùng với đó, lãi suất vay mua nhà thấp sẽ giúp củng cố quyết định mua nhà. Đặc biệt, nguồn cung mới sẽ hồi phục nhờ nới lỏng pháp lý.
Theo Tổng giám đốc Colliers Việt Nam David Jackson, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) BĐS năm 2022 nhiều khả năng sôi động. Dịch Covid-19 làm cho hàng loạt doanh nghiệp chịu tổn thất, không còn đủ khả năng phát triển các dự án dang dở, phải bán lại cho các đơn vị có tiềm lực tài chính tốt hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở thế “đại gia” dự kiến có xu hướng rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế hơn thông qua các hoạt động M&A. Những tập đoàn BĐS quy mô lớn năm nay vẫn “khát” quỹ đất nên sẽ tiếp tục xu hướng săn dự án dang dở để nhanh chóng có hàng hóa mới đưa ra thị trường. M&A BĐS năm 2022 sôi động cũng giúp cho nguồn cung tăng và thanh khoản có cơ hội được cải thiện so với năm 2021. Các doanh nghiệp nội địa có khả năng tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong hoạt động M&A BĐS nhờ am hiểu thị trường trong nước hơn so với khối ngoại. Thị trường vệ tinh của các đô thị lớn hay các tỉnh thành mới nổi về phát triển kinh tế có thể hút nhiều thương vụ M&A, trong bối cảnh cuộc đua về vùng ven của các đại gia địa ốc đã sẵn đà tăng nhiệt vài năm gần đây.
TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, mặc dù phải đối diện với dịch Covid-19, Việt Nam hiện vẫn rất thuận lợi trong mọi mặt. Việc thi hành chính sách thay đổi toàn diện rất tốt cho nền kinh tế nói chung và BĐS nói riêng. BĐS sẽ thuận lợi do 2021 là năm đầu của kế hoạch với hàng loạt dự án hạ tầng có tính chất thúc đẩy lớn đối với thị trường này.
Xem thêm : Dự Án Căn hộ cao cấp tại Quận Đống Đa Hà Nội 2023
Những yếu tố tạo xung lực phát triển mạnh nhất đến thị trường BĐS cuối năm 2021 và 2022 là việc nút thắt trong chính sách dần được gỡ bỏ; sức chịu đựng và khả năng phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh dịch, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và lãi suất giảm. Do đó, đây sẽ là các động lực quan trọng để đưa BĐS chuyển động nhanh, trở thành điểm sáng của năm 2022, đặc biệt khi có nhiều chính sách tích cực để giải ngân cho các dự án cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh.
Nhiều nhà đầu tư có chung quan điểm, chưa bao giờ thông tin quy hoạch lại được công bố với quy mô rộng như hiện nay, từ hệ thống cao tốc miền Tây đến quy hoạch sân bay, thành phố vệ tinh, đường ven biển, nâng cấp các đô thị… Cả nước giống như một “đại dự án” triển khai với quy hoạch đồng bộ. Những yếu tố này đang tiếp sức thúc đẩy thanh khoản trên thị trường BĐS, đặc biệt ở phân khúc đất nền.
Theo Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa Trần Khánh Quang, năm 2022, thị trường BĐS nhiều khả năng thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn năm 2021 do tác động vết dầu loang từ kết quả phiên đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm. Ngoài ra, tác động nặng nề của đợt dịch thứ tư cũng làm cho nhà đầu tư chuyển dòng tiền vào nhóm tài sản nhà, đất và các loại hình BĐS gắn với đất để tìm kênh trú ẩn an toàn trong năm tới. Sau giai đoạn thị trường BĐS “đứng hình” vì phong tỏa, nhờ nỗ lực phủ vaccine nhanh ở các tỉnh thành cùng chiến lược mở cửa nền kinh tế sống chung với virus, tần suất hoạt động của nhà đầu tư BĐS rộng hơn. Do đó, trong năm 2022 BĐS vùng ven có thể được mua bán nhiều hơn. Cũng trong năm 2022, hoạt động đấu giá đất ở Thủ Thiêm vẫn tiếp tục diễn ra do còn nhiều lô đất sẽ tiến hành đấu giá các đợt sau, trở thành tâm điểm hút sự quan tâm của giới đầu tư và nhiều khả năng ảnh hưởng lớn đến mặt bằng giá BĐS toàn thành phố Hồ chí Minh và vùng ven theo hướng đi lên.
Các chuyên gia đã đưa ra 3 kịch bản về xu thế chuyển động thị trường trong năm 2022. Kịch bản thứ nhất kỳ vọng giá BĐS tăng từ cuối năm 2021 và đạt đỉnh vào đầu năm 2022. Dự báo này dựa trên yếu tố nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và các thông tin phát triển kinh tế như Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do, nới lỏng tiền tệ làm cho lạm phát có xu hướng tăng, nguồn vốn đổ về BĐS. Khi đó, thị trường BĐS sẽ có cơ hội đạt đỉnh, nhất là khi dịch Covid-19 được đẩy lùi và nền kinh tế trở lại bình thường. Kịch bản thứ hai là giá BĐS có xu hướng tăng mạnh nhưng chỉ ở một số khu vực như thành phố Hồ Chí Minh và vùng lân cận như Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Về tổng thể, giá trên thị trường cả nước giảm nhẹ nếu dịch bệnh vẫn hoành hành. Kịch bản xấu nhất là thị trường BĐS có thể rơi về vùng đáy nếu dịch Covid-19 chưa được kiểm soát và số lượng vắc-xin tiêm cho người dân chưa đủ để tạo miễn dịch cộng đồng, gây khó khăn cho thị trường BĐS nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung. Khi đó, giá nhà đất có nguy cơ về vùng đáy và nằm “bất động”.
Nguyên Hương
Nguồn: https://redonland.com
Danh mục: Bất động sản