Có lẽ nhiều người trong chúng ta biết đến mười hai cung hoàng đạo thông qua các chuyên mục bói toán, tử vi (Horoscope) nhưng liệu đã bao giờ bạn có những băn khoăn, thắc mắc hay muốn hiểu sâu hơn về điều này chưa? Nếu muốn tìm hiểu kĩ thì bạn có thể dọc cuốn “Từ điển Chiêm tinh I” của Bil Tierney để biết rõ hơn nhé.
Chiêm tinh học (Astrology) là một khái niệm khá mới mẻ với phần đông mọi người ở Việt Nam và dễ bị nhầm lẫn với Thiên văn học (Astronomy). Hầu hết mọi người biết 12 cung hoàng đạo nhờ Horoscope nhưng đó chỉ là một phần nhỏ của Chiêm tinh. Với kinh nghiệm lâu năm của một Chiêm tinh gia chuyên nghiệp, Bil Tierney đã viết ra cuốn Từ điển chiêm tinh nhằm giúp mọi người có cái nhìn tổng quan hơn về chiêm tinh, tránh những hiểu lầm đáng tiếc về môn học này. Khi về Việt Nam thì cuốn sách được phát hành thành hai quyển. Trong bài viết dưới đây mình sẽ review cuốn thứ nhất của bộ sách này.
1. Lời giới thiệu về Chiêm tinh
Trong phần này tác giả giới thiệu về Chiêm tinh cũng như phản biện lại các hiểu nhầm về nó. Chiêm tinh không giống Thiên văn, mười hai cung hoàng đạo (Zodiac) không giống mười hai chòm sao (constellations) mà các nhà Thiên văn học hay quan sát. Những chòm sao cố định trên trời tạo thành vòng tròn Hoàng đạo “thiên văn” (sidereal zodiac) còn từ xưa đến nay giới Chiêm tinh sử dụng vòng tròn Hoàng đạo “nhiệt đới” (tropical zodiac). Bil giải thích rõ Chiêm tinh không phải mê tín hay xúi bậy mà là có căn cứ, các Chiêm tinh gia không mù mờ đến nỗi không biết đến tuế sai – hiện tượng khi những chòm sao như đang lùi dần về phía sau theo thời gian trong mối tương quan với điểm Xuân phân, do sự chao đảo của quỹ đạo Trái Đất. Khi đọc phần này, các bạn sẽ có góc nhìn đầy đủ hơn về Chiêm tinh cũng như không bị hoang mang bởi một số điều sai lệch như cung hoàng đạo thứ mười ba.
1. Các cung & Các nguyên tố
Việc hiểu được giá trị của nguyên tố và tính chất là điều căn bản mà bất cứ ai muốn hiểu Chiêm tinh phải học. Chính vì lí do đó mà Bil phải đề cập đến vấn đề này ngay sau khi giới thiệu về Chiêm tinh.
Chiêm tinh chia 12 cung hoàng đạo thành 4 nguyên tố:, Đất, Khí, Nước và 3 tính chất: Tiên Phong, Ổn Định, Linh Hoạt. Nếu tinh ý thì bạn dễ dàng nhận ra quy luật phân chia của vòng tròng hoàng đạo. Cần lưu ý là không có cung nào có sự kết hợp nguyên tố – tính chất giống cung nào.
Bốn nguyên tố:
Trong phần này, Bil Tiery làm rõ tính chất của bốn nguyên tố và giải thích trật tự sắp xếp của chúng. Nếu bạn đã quen đọc các đầu sách phổ thông về mười hai chòm sao hay các tin về cung hoàng đạo thì chương này sẽ đem đến nhiều bất ngờ cho bạn.
- Lửa (Bạch Dương, Sư Tử, Nhân Mã): Nguyên tố bắt đầu cho một góc phần tư của vòng tròn hoàng đạo, được gắn với “hành động” hơn là “suy nghĩ” hay “nghiền ngẫm”. Kiêu hãnh, tự tin, hào phóng ban phát sự giúp đỡ nhưng cũng rất háu đói bởi lòng ham sống của Lửa. Nhưng cũng chính sự ích kỉ có phần ngây thơ ấy giúp Lửa duy trì cá tính độc lập của mình. Ở Lửa phảng phất sự cô độc cũng bởi sự tách biệt của nó. Lửa sẽ lụi tàn nếu bị kiềm hãm lại và nó sẽ rực cháy cho những đam mê của mình mặc cái khát vọng ấy có mới lạ, thậm chí ngược đời đến đâu. Lửa là nguyên tố chỉ đường cho mỗi chúng ta, giúp chúng ta có động lực, khao khát sống và tinh thần sẵm sàng hành động để đạt được mục tiêu.
- Đất (Kim Ngưu, Xử Nữ, Ma Kết): Nếu Lửa có thói xấu vô tư lự đốt sạch nguyên liệu của mình rồi đốt sinh lực của bạn để duy trì ngọn lửa của nó thì Đất sẽ kiềm nó lại để đảm bảo tính ổn định của Lửa. Là nguyên tố được gắn với vật chất hữu hình nên ở Đất có sự sử dụng một cách thông minh và hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có. Tài năng ấy không phải bẩm sinh mà là từ óc quan sát thực tế, niềm tin vào những điều đã được kiểm chứng. Đất luôn đảm bảo mọi thứ được ngăn nắp, vận hành quy củ nhưng chớ có hiểu nhầm nó nhàm chán và cứng ngắc. Trên thực tế, Đất gắn với thế giới vật chất, là nguyên tố cực kì coi trọng khoái lạc thể xác. Nó coi trọng sức khỏe nên rất quan tâm những nhu cầu của cơ thể mình. Đất có khuynh hướng kìm nén tình cảm và bó buộc cảm xúc, một mặt giúp nó trông điềm đạm, mặt khác khiến cho nó mắc chứng “mặt đơ”. Đây là nguyên tố giúp ta nhận thức được mình có gì và học cách sử dụng chúng, phân tích và nhìn nhận vấn đề một cách khách quan để đem đến sự ổn định sau những khởi đầu.
- Khí (Song Tử, Thiên Bình, Bảo Bình): Sau khi Đất ổn định mọi thứ thì Khí sẽ tìm một không gian riêng để suy ngẫm và đánh giá lại tình hình. Lãnh địa tự nhiên của Khí là lơ lửng trên không, càng lên cao thì tầm nhìn càng rộng lớn, khái quát. Đây là nguyên tố có đầu óc nhất, nguyên tố thích sống trong những suy nghĩ và ý tưởng để đem đi chia sẻ, kết nối cả thế giới. Người tuýp Khí thường thông minh, điềm tĩnh và ham học hỏi. Nhưng dù là những kẻ quảng giao với ngôn từ uyển chuyển và điệu bộ đầy cảm thông thế nào thì bản chất của họ rất lí trí, họ không thể “cảm nhận” mà sẽ lôi nó ra để phân tích. Nhưng cũng không thể trách họ vì vốn đây không phải chức năng của khí. Bù lại họ là những kẻ quan sát, phân tích xuất sắc trước vấn đề cũng như con người. Góc nhìn của Khí đem đến sự đa diện hơn cho con người để từ đó đưa ra quyết định đúng đắn.
- Nước (Cự Giải, Bọ Cạp, Song Ngư): Kết thúc cho chu kì là Nước. Nước bổ sung một khía cạnh hết sức quan trọng vào trải nghiệm của loài người: sự phát triển tình cảm, khả năng cảm nhận đồng điệu với người khác và suy ngẫm về sự tinh vi trong đời sống nội tâm của mình. Nước thẩm thấu vào bất kì thứ gì nó tiếp xúc, khiến mọi ranh giới đều trở nên mờ nhạt và rồi đánh mất đi phần nào ý thức của chính mình. Nước xâm lấn những không gian xung quanh mình mà không cần sự cho phép – một điều khá là rắc rối trong những mối quan hệ. Hệ quả của việc đó là nó dễ bị cuốn vào những viễn cảnh không mấy tươi sáng cũng như chuốc những âu lo, phiền muộn vào người. Trí tưởng tượng cũng thuộc địa hạt cai quản của nước. Nó có thể dễ dàng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc – từ sung sướng cho đến cuồng loạn. Nó mang trong mình khả năng thấu hiểu nhu cầu con người, cảm nhận động cơ bí mật của người khác. Nước không ngần ngại tiến sâu vào trung tâm của sự phức tạp mặc những nguy cơ tiềm tàng. Nước hoàn thiện chu kì trải nghiệm của con người, buộc ta phải đào sâu vào bên trong sự vật để không bị đánh lừa bởi bề mặt.
Ba tính chất:
Cứ bốn cung trong vòng tròn hoàng đạo lại liên kết với một tính chất, và các Chiêm tinh gia thường thích sử dụng bốn mùa trong năm như một cách diễn tả từng giai đoạn trong quá trình bộc lộ mỗi tính chất. Đây là một phương pháp hoàn toàn có lý, bởi mười hai cung hoàng đạo có liên hệ mật thiết đến chu kì bốn mùa trong năm.
Có một điều mình thấy khá thú vị đó là Bil Tierney tiết lộ nếu bạn trội tính chất nào (nhất là khi là đó là “bộ ba quyền lực”: Mặt Trời, Mặt Trăng, điểm Mọc) thì nó sẽ có quyết định quan trọng vào cách bạn dấn thân trong đường đời để đạt được mục đích. Trong khi đó, ta lại có xu hướng thu hút những người sở hữu nhiều tính chất mà chúng ta ít chịu ảnh hưởng (có rất ít hoặc không có hành tinh nào nằm trong). Công thức trên cũng được áp dụng với các nguyên tố.
- Tiên Phong (Bạch Dương, Cự Giải, Thiên Bình, Ma Kết): Các cung Tiên Phong đều có nhịp sống hối hả. Năng lượng Tiên Phong cổ vũ cho kiểu hành động ngay và luôn mà ít khi do dự, lên kế hoạch trước. Các cá nhân với biểu đồ trội tính Tiên Phong là những người hết sức mạnh dạn và rất cần giữ bình tĩnh, đặc biệt là trong những vấn đề mà nguyên tố của mình quy định (ví dụ như Cự Giải thường mất kiên nhẫn trước những ai không công khai cam kết một mối quan hệ gắn bó mật thiết). Những người này dù giỏi giang thật hay không thì thường tạo cho người ta cảm giác họ rất bận rộn, gồng gánh nhiều công việc.
- Ổn Định (Kim Ngưu, Sư Tử, Bọ Cạp, Bảo Bình): Các cung Ổn Định có cách tiếp cận cuộc sống ổn định và tổ chức. Chúng cần kiểm soát những gì xảy ra với bản thân, không ưa hạng người bon chen, hung hăng hay những tình huống nhiều áp lực. Các cung Ổn Định được phú cho khả năng tập trung tuyệt đỉnh, lòng kiên nhẫn, khả năng xác định rõ mục tiêu cùng sức chịu đựng bền bỉ. Ngoài ra các cung này còn có những khao khát mãnh liệt, không dễ gì bị từ chối hay trì hoãn. Một nguy cơ dễ mắc phải với người trội tính chất Ổn Định là tính thiếu nhượng bộ trong cuộc sống.
- Linh Hoạt (Song Tử, Xử Nữ, Nhân Mã, Song Ngư): Tính chất Linh Hoạt có nhiệm vụ phá vỡ những năng lượng đã biểu hiện đến mức cực đại và bây giờ cần được giải phóng, tái tạo. Thế mạnh lớn nhất của tính chất này chính là sẵn sàng thay đổi một cách linh động. Sự đa dạng chính là gia vị cuộc sống đối với tính chất này. Các cung Linh Hoạt có khả năng quan sát sắc sảo – chúng muốn hiểu rõ hơn về cách cuộc sống vận hành và cách những mảnh ghép của nó có thể khít vào với nhau. Nhược điểm lớn của nhóm này là dễ bị phân tâm bởi mọi thứ xung quanh, không thể chịu nổi sự đơn điệu và dễ bị lưỡng lữ, phân tán sức lực nếu đứng trước quá nhiều lựa chọn.
Ngoài những điều cơ bản trên thì tác giả còn phân tích thêm cách các tính chất biểu lộ trên từng cung hoàng đạo.
Tôi thích xem hành động của các tính chất giống như một phép ẩn dụ về chu kì hô hấp của chúng ta: Giai đoạn Tiên Phong giống như lúc hít vào, ta cảm nhận một luồng không khí đổ xô tới, tựa như đang xộc thẳng vào não – nó giữ cho ta không lăn ra bất tỉnh và tiếp thêm sinh lực cho cơ thể. Tiếp theo là giai đoạn Kiên Định, một khoảng lặng mà ta gần như ngưng thở trong giây lát sẽ tạo nên nhiều nội lực hơn cả khi ta vận công. Nín thở càng lâu thì sức mạnh đó càng trở nên mãnh liệt, cùng với áp lực mạnh mẽ dồn lên trong người. Cuối cùng là việc thở ra, tương đương với giai đoạn Linh Hoạt khi cuối cùng chúng ta cũng giải phóng hơi thở và phân tán những gì chứa trong chúng trở lại thế giới bên ngoài. Đây là hành động kết thúc chu kỳ hô hấp, và thứ mà ta thở ra vào lúc này đã được biến đổi – nó không còn là oxy ban đầu ta từng hít vào nữa, mà giờ đây đã là khí các-bô-nic. Thở ra cũng sẽ dành chỗ để luồng không khí mới tràn vào, tiếp thêm sức lực cho cơ thể và tiếp tục lặp lại chu kì hô hấp.
Xem thêm : Tự Giải Bản Đồ Sao Cá Nhân
1. Mười hai cung hoàng đạo
Vòng tròn hoàng đạo giống như một vòng tròn của đời người. Bốn góc phần tư của vòng tròn ứng với những giai đoạn nhận thức của con người. Sách về Chiêm tinh học nhìn chung là một đầu sách khá ít người đọc ở Việt Nam nên lượng sách cũng không đa dạng bằng các dòng sách khác. Từng có một thời gian mình đi đến các nhà sách để lướt qua nhưng không mấy cuốn thỏa mãn được mình vì những cuốn đó chỉ nói về tính cách của mười hai cung hoàng đạo chứ không hề lí giải tại sao lại như vậy. “Từ điển Chiêm tinh I” là một trong số ít cuốn sách làm được điều này.
Thông thường khi nhắc đến Bạch Dương, ngoài việc biết tên, là cung hoàng đạo đầu tiên, truyền thuyết và một vài thứ khác thì ta thường chỉ nghĩ đến hình ảnh một người nóng tính, xốc nổi nhưng cũng rất quả cảm, nhanh nhẹn. Mô tả vậy cũng không sai nhưng đó không phải một cức tranh toàn diện về các bạn Cừu. Hình ảnh của Bạch Dương giống như những em bé sơ sinh – thể hiện cái chất Lửa, chất Tiên Phong trong người hết sức thô sơ và nguyên bản. Chúng khóc những trận thiếu kiên nhẫn và đầy tức giận, như một cách xác định sự tồn tại của mình, tựa hồ đang khẳng định: “Con đang sống và tồn tại sờ sờ đây này, lo mà giải quyết nhu cầu của con ngay!”. Từ hình ảnh đó thì bạn có thể lí giải khá nhiều lí do tại sao cung hoàng đạo này lại có cách ứng xử như vậy. Một trong những sai lầm dễ mắc phải nhất khi học Chiêm tinh là dễ bị nhầm lẫn tính chất của cung, dẫn đến nhầm luôn cả từ khóa của nó. Giống như việc các Thiên Bình hay bị nhầm là do dự, ba phải, thiếu quyết đoán nhưng thực chất đó là do các bạn Cân chưa thể cân bằng giữa các lựa chọn. Đây vẫn là một cung Tiên Phong nên một khi đã quyết định xong, độ lì lợm và kiên quyết của các bạn khiến ngay cả Kim Ngưu cũng phải kiêng dè. Hay Song Ngư thì hay bị hiểu nhầm là ngáo ngơ, đầu óc đơn giản nhưng trên thực tế, Song Ngư chính là cung kết thúc cho một chu kì hoàng đạo nên họ không “mất não” như bạn vẫn nhầm tưởng.
Kết:
“Từ điển Chiêm tinh I” là cuốn sách khá bổ ích, căn bản cho những người muốn bắt đầu tiến sâu vào Chiêm tinh. Bìa được AZ Vietnam thiết kế tương đối đẹp mắt và bên trong bạn sẽ được tặng kèm một bookmark khá xinh. Bật mí là nếu bạn ghép hai bookmark từ cả bộ thì bạn sẽ được một vòng tròn hoàng đạo hoàn chỉnh. Một điểm mà cá nhân mình không thích lắm ở sách là cách chia bố cục trang sách thành hai dòng. Nó khá gây mất tập trung và không thuận mắt lắm. Ngoài ra bản dịch tuy đã cố nhưng lời văn còn gượng ép chứ không “dạt dào” như bản gốc tiếng Anh. Mình đánh giá cuốn sách này hợp với những bạn đã có hiểu qua về Chiêm tinh, biết những khái niệm cơ bản và muốn hiểu sâu hơn. Các bạn mới nhập môn cũng có thể đọc nhưng nếu bạn vẫn quen với sách mười hai chòm sao hay chưa có biết gì thì nhớ đọc kĩ kẻo dễ bị bỏ lỡ những kiến thức quan trọng tác giả gửi gắm. Đây là một cuốn sách mà bạn cần nghiền ngẫm và đọc nhiều lần để hiểu hết.
Review bởi Lan Chi – Bookademy
–
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3
Nguồn: https://redonland.com
Danh mục: Chiêm tinh